Ký ức ám ảnh của một bác sĩ nhi khoa Sài Gòn chẩn đoán sai làm chết một đứa trẻ gây bão MXH
- 08:53 01-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Tiêm thuốc không thấy phản ứng gì, anh lao vào nhồi tim và hô hấp nhân tạo. Anh không nhớ gì hết nhưng khi được một bác sỹ nhắc anh là đã hơn 1 tiếng trôi qua kể từ khi tim bé ngừng đập rồi anh mới dừng lại. Tím tái…".
Đó là đoạn đầu trong ký ức bi kịch đầu tiên trong suốt những năm tháng làm nghề y của Hoàng Quốc Tưởng (Dr. Chuột) - bác sĩ Nhi khoa nổi tiếng trong cộng đồng những bà mẹ bỉm sữa tại Sài Gòn. Mới ngày hôm qua, nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, anh đã chia sẻ toàn bộ sự cố buồn thảm khó quên ấy của mình cho trang Facebook It's Happened to be Vietnam. Câu chuyện đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người dùng mạng.
Bác sỹ Hoàng Quốc Tưởng. (Ảnh: It's Happened to be Vietnam) |
Toàn bộ câu chuyện kể về sự day dứt và bất lực của anh khi để cho một bệnh nhân nhỏ tuổi của mình phải qua đời do chẩn bệnh sai, trong khi vốn dĩ bản thân anh là một người cẩn trọng, yêu nghề và được đánh giá là tài năng, luôn đứng top thành tích từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học Y dược cho đến khi chính thức trở thành một bác sĩ khoác áo blouse trắng, trị bệnh cho trẻ con.
Sự cố năm ấy chôn vùi anh vào hố sâu tội lỗi, anh đối diện với lương tâm mình mỗi ngày vậy mà vẫn không tìm được lối thoát. Anh muốn bỏ nghề, muốn xóa đi tất cả những gì mình đã đạt được để quên đi ký ức buồn đau ấy, xong anh không làm được. Anh nói nỗi ám ảnh về cái-chết-đầu-tiên không ồ ạt như sóng biển, nó cứ chầm chậm như một thứ ung thư quái gở và khiến anh đau khi nghĩ về.
(Ảnh minh họa) |
"Tiêm thuốc không thấy phản ứng gì, anh lao vào nhồi tim và hô hấp nhân tạo. Anh không nhớ gì hết nhưng khi được một bác sỹ nhắc anh là đã hơn 1 tiếng trôi qua kể từ khi tim bé ngừng đập rồi anh mới dừng lại.
Tím tái. Bước ra báo tử cho gia đình mà anh không biết mình đang ở đâu, làm gì. Anh chỉ nhớ người nhà bệnh nhân lúc đó rất lạ, họ không gào lên như anh vẫn thường thấy, họ bước lùi lại rồi nhìn thẳng vào mắt anh. Không khóc. Nó gần như một sự bất nhẫn.
Anh lấy xe ra về và mọi thứ hoàn toàn tối thui dù là 7h sáng. Đi được một đoạn anh phải dừng lại để khóc. Chưa bao giờ anh thấy mình bại trận tới như vậy. Anh quyết định luôn là bỏ học và không làm nghề này nữa. Anh không thấy mình đủ giỏi và nếu có giỏi anh cũng không cảm thấy mình đủ mạnh mẽ? Đủ dũng cảm? Đủ tỉnh táo? Để tiếp tục.
Không. Không làm nữa.
(Ảnh minh họa) |
Trong suốt một tháng anh nhốt mình trong nhà, tất cả mọi sự kiện trong đời anh tua đi tua lại trước mặt anh. Anh là con trai cả của gia đình. Anh luôn đứng trong top đầu của trường và cả cuộc đời không có nhiều biến động nào dữ dội hết. Cấp 3 luôn xếp đầu lớp. Thi một phát ăn ngay vô đại học y dược. Tốt nghiệp thì được vào Nội Trú với tỷ lệ chọi rất cao. Anh thích làm bánh khi rảnh rỗi và…
Và anh vẫn chẩn đoán sai và để em ra đi.
Viêm phổi và phù phổi đều có những dấu hiệu giống nhau, nhưng nếu anh nhận ra phổi em bị phù do thận đã hư hoàn toàn trước đó để thay đổi phác đồ điều trị thì với sức đề kháng yếu đuối của đứa trẻ 1 tuổi, em đã ở trên thế giới này thêm vài ngày. Điều anh biết, cũng là điều đau đớn nhất, là nếu anh làm tốt hơn, em sẽ không ra đi ngày hôm đó.
(Ảnh minh họa) |
Như một người dò bước trong bóng tối ở một căn phòng căng đầy những sợi chỉ đỏ. Ám ảnh về cái-chết-đầu-tiên không ồ ạt như sóng biển, lúc mình ít ngờ tới nhất lại cứa vào người sắc buốt, để nỗi đau lây lan chầm chậm như một thứ ung thư quái gở. Anh có gửi một bức thư cho người nhà bệnh nhân sau đó và thừa nhận sai lầm của mình. Người nhà cũng đã chấp nhận tha thứ cho anh.
Nhưng cho dù có làm trong nghề bao lâu, cứu được triệu người, nhận được tán dương của công chúng, anh vẫn luôn thấy em bé tím tái đó, luôn thấy ánh mắt căm phẫn của người bố, đợi nhìn anh trong góc tối lương tâm".