Nghệ An: Nhà máy nước… khát nước
- 08:19 27-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong 19 tiêu chí để công nhận 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nước sạch và môi trường luôn làm “đau đầu” lãnh đạo các cấp. Từ mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, từ năm 2014 huyện Yên Thành được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cho phép đầu tư dự án xây Nhà máy nước sạch trên diện tích đất được giao khoảng 6ha đặt tại xã Long Thành. Theo thiết kế được duyệt, nhà máy có công suất bơm 3.500m3 nước/ngày đêm với 2 máy bơm hút, 3 máy bơm đầy đủ khả năng cung cấp nước sạch thường xuyên cho 5.500 hộ dân (khoảng 33.000 nhân khẩu).
Nhà máy nước sạch Long Thành được đầu tư 90 tỷ đồng, đủ khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho 5.500 hộ dân |
Công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An) làm chủ đầu tư. Nguồn nước cung cấp cho nhà máy được lấy từ hệ thống thủy lợi do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý.
Ông Phạm Duy Kỷ- giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Nông thôn Nghệ An cho biết: “Vốn đầu tư xây dựng nhà máy được lấy từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước cho vay và người dân thụ hưởng đóng góp (2 triệu đồng/hộ), từ khi nhà máy vận hành và đưa vào khai thác phục vụ, người dân các xã Long Thành, Vĩnh Thành, Khánh Thành và 4 xóm xã Trung Thành đã được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn như ở các thành phố và khu đô thị”.
Tuy nhiên, mới qua 2 năm vận hành, vấn đề lo ngại nhất của nhà máy là nguồn nước cung cấp không đảm bảo thường xuyên. Nguyên nhân là do khi thiết kế, các kỹ sư thủy lợi đã không lường hết được những tình huống về nguồn nước thay đổi theo mùa từ kênh N6 hiện nay. Bên cạnh đó, sau khi Ban Quản lý dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An triển khai dự án cải tạo, nâng cấp kênh N6, thay vì giữ nguyên lòng kênh, các kỹ sư thiết kế đã thu hẹp lòng kênh từ 1,6m xuống còn 0,8m nên lượng nước chảy vào kênh giảm hẳn. Nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các xã liên quan liên tục thiếu. Nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Long Thành cũng đứng trước nguy cơ “khát” thường xuyên.
Do “sơ suất” của các kỹ sư khi thiết kế để cải tạo, nâng cấp kênh N6, lòng kênh bị thu hẹp từ 1,6m xuống còn 0,8m nên không đủ nước phục vụ sản xuất cũng như cung cấp nguồn nước cho nhà máy. |
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Hòa Nhập có mặt tại Nhà máy nước Long Thành vào dịp sau Tết. Hồ chứa nước của nhà máy như sắp trơ đáy. Nhân viên trực máy phải thường xuyên theo dõi để điều chỉnh thời gian phục vụ. Ông Doãn Thanh Hà- Chủ tịch UBND xã Long Thành không giấu được bức xúc, nói: “Không hiểu mấy ông thiết kế kênh N6 kiểu chi mà sau khi công trình đưa vào phục vụ, hàng chục ha của 4 xóm phía Bắc xã liên tục thiếu nước. Làm ăn kiểu ni thì chết!”
Ông Kỷ cũng không dấu được băn khoăn lo ngại: “Chúng tôi thu tiền của nước của dân, nếu không có nước phục vụ cho họ, họ có quyền kiện. Họ bức xúc, họ chửi cũng phải im lặng. Có ai biết được lỗi này là do mấy ông tư vấn, thiết kế nâng cấp kênh N6 đâu”.
Phóng viên nhiều lần liên lạc điện thoại với ông Nguyễn Văn Phượng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An nhưng không thấy nghe máy. Gọi cho ông Lê Văn Cường- Phó giám đốc của Công ty này cũng rơi vào tình trạng… máy chờ.
Nhân viên kỹ thuật vận hành nhà máy phải túc trực thường xuyên để điều tiết lượng nước vào các máy bơm. |
Để giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, theo ông Kỷ, thay vì đấu nối nguồn nước vào kênh N6 như hiện nay, nhà máy sẽ phải xin ý kiến Sở chủ quản hoặc UBND tỉnh Nghệ An là được đấu nối nguồn nước vào kênh N1 hoặc kênh N8. Tuy nhiên, băn khoăn của ông Kỷ trong việc thay đổi vị trí đấu nối nguồn nước là… tiền. Nếu đấu nối nguồn nước vào kênh N1 thì nhà máy sẽ phải xây dựng 1 đừng ống dài khoảng 5km, theo đó, nguồn kinh phí phải có là 5 tỷ đồng. Trong khi người dân đã đóng góp rồi, không thể huy động được mà nguồn tiền dôi ra từ kinh doanh nước thì vừa phải trả lương cho cán bộ, nhân viên, vừa phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước.
Người dân đang rất mong ông Hoàng Nghĩa Hiếu- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An có 1 chuyến vi hành về khu vực này để nghe người dân phản ánh và chứng kiến “hậu quả” của các kỹ sư Ban quản lý dự án thuộc Sở đã “sáng tạo” như thế nào trong việc thiết kế nâng cấp kênh mương thủy lợi N6 theo kiểu “tiền mất, tật mang” này.