Một nhà mạng đối mặt nguy cơ lỗ tỉ USD, kêu bị xử ép
- 15:05 26-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vietnamobile cho rằng cuộc cạnh tranh không công bằng trên thị trường viễn thông đang đẩy họ vào thế khó - Ảnh: Tư liệu |
Mong được cạnh tranh công bằng
Dù kỳ vọng rất nhiều vào thị trường nhưng mạng di động nhưng Vietnamobile đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Lý do được nhà mạng này đưa ra trong văn bản kêu cứu lên Thủ tướng là do chính sách bất công bằng và sự độc quyền trong cạnh tranh từ các nhà mạng đại diện khối DNNN.
Thị trường viễn thông VN hiện có sự hoạt động của 5 doanh nghiệp, với thị phần Viettel 50,6%, Mobifone 20,6%, Vinaphone 24,8%, Vietnamobile 3,6%, và Gtel 0,4%.
Thực tế thì Vietnamobile là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vốn đầu tư nước ngoài, tập đoàn Viễn thông châu Á Hutchison đang sở hữu 51% vốn tại nhà mạng này.
Nhằm tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường viễn thông, Vietnamobile đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, có chính sách công bằng trong phân bổ nguồn lực tần số. Bởi 3 nhà mạng lớn Viettel, Vinaphone, Mobifone đang nắm giữ trên 95% quỹ tài nguyên số quốc gia.
Vì vậy, Vietnamobile xin được phân bổ thêm băng tần 850 MHz, có chính sách hợp lý, thỏa đáng trong đấu thầu tần số 2600 MHz để các doanh nghiệp viễn thông nhỏ như Vietnamobile, Gtel có cơ hội sử dụng băng tần này.
Bên cạnh đó, nhà mạng Vietnamobile cũng mong muốn được thương lượng sử dụng chung băng tần 1800 MHz, 2100 MHz với các nhà mạng lớn để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên số quốc gia.
Người đại diện cho Vietnamobile cũng cho rằng việc tạo ra một chính sách cạnh tranh bình đẳng sẽ mang lại lợi ích cuối cùng cho người tiêu dùng trên thị trường viễn thông.
Trong văn bản ký gửi tới Thủ tướng, bà Fong Chong Mei Elizanbete cũng đề cập tới bất cập trong chính sách quản lý thị phần viễn thông, cách xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, và giá cước trung bình trên thị trường viễn thông.
Mạng di động Vietnamobile cũng đề nghị Bộ TTTT làm rõ mối liên hệ giữa giá cước viễn thông trung bình và giá thành, việc chỉ doanh nghiệp thống lĩnh thị trường được áp dụng giá cước thấp hơn giá thành.
Vietnamobile cho rằng tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường viễn thông sẽ mang tới lợi ích cuối cùng cho người tiêu dùng - Ảnh: Tư liệu |
"Đốt" hàng tỉ USD với công nghệ CDMA
Công ty CP Viễn thông di động Vietnamobile (Vietnamobile) gồm hai cổ đông chính là Công ty CP Viễn thông di động Hanoi Telecom và tập đoàn Viễn thông châu Á Hutchison (Hồng Kông).
Được thành lập năm 2007, mạng di động Vietnamobile (HT mobile trước đây) đã lựa chọn công nghệ CDMA để vận hành, tuy nhiên việc đầu tư vào công nghệ này đã thất bại hoàn toàn tại thị trường VN.
Đến nay, công nghệ CDMA của Vietnamobile không dùng được nữa, buộc nhà mạng này phải đầu tư các thiết bị, hạ tầng và hệ thống cho công nghệ GSM phủ sóng toàn quốc.
Theo người đại diện Vietnamobile, nhà mạng này đã thiệt hại hàng tỷ USD với sai lầm đầu tư công nghệ trên.
Sau 12 năm trên thị trường viễn thông, mạng 2G của Vietnamobile đã phủ sóng 91,3% dân số, mạng 3G phủ sóng 81,3% dân số, và phủ sóng 4G trên 37 tỉnh, thành phố. Tổng số trạm 3G được Vietnamobile đầu tư xây dựng trên cả nước lên tới 7.345 trạm.
Để hình thành nền tảng hạ tầng này nhà mạng Vietnamobile đã đầu tư gần 1,2 tỉ USD, tương ứng 27.866 tỉ đồng.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam: Đảm bảo công bằng trong phân bổ tần số Với sự vận hành của thị trường dịch vụ viễn thông tại Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng và cạnh tranh thị trường sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần tạo điều kiện công bằng và tốt nhất cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc phát triển hạ tầng và dịch vụ mạng. Một trong những cách làm đó là chính sách quản lý cũng như phân bổ tài nguyên số công bằng giữa mọi doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn trước đây - khi còn chưa có dịch vụ chuyển mạng giữ số - giữa các nhà mạng thường có "ganh" nhau về chuyện phân bổ đầu số (nhiều - ít, đẹp - xấu). Nhà mạng có ít đầu số đương nhiên sẽ có lượng số đẹp ít hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách hàng. Tuy nhiên, dịch vụ chuyển mạng giữ số đã giúp "hoá giải" được việc phân bổ không đều. Giờ nhà mạng nào có dịch vụ tốt hơn sẽ thu hút được nhiều thuê bao hơn và ngược lại. Về tần số, bằng tần 2.6GHz sắp tới đây sẽ là lần đầu tiên các nhà mạng đấu giá để sử dụng. Cơ chế đấu giá băng tần mới cũng cần đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp được tham gia đấu giá. Chẳng hạn chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng được một số điều kiện nhất định là được quyền tham gia đấu giá. Và khi đấu giá, doanh nghiệp dù có kết quả tốt nhất cũng không được quyền sử dụng hết băng tần (tránh tình trạng độc quyền hoặc thâu tóm băng tần ngăn không cho đối thủ phát triển). Đức Thiện |