Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên ly hôn: Chưa thể phân chia 2.109 tỉ đồng

Cơ quan chức năng chưa có cơ sở vững chắc phân chia phần tài sản có giá trị khoảng 2.109 tỉ đồng vì chưa bảo đảm tố tụng, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ

Chiều 25-2, sau khi quay lại phần xét hỏi, HĐXX sơ thẩm vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên) thông báo nghị án kéo dài đến 14 giờ ngày 1-3.

Lấn cấn

Suốt quá trình xét hỏi, cơ quan tố tụng và 2 phía đương sự tiếp tục làm rõ một số chứng cứ liên quan đến phân chia tài sản. Đặc biệt là phần tài sản được cho là thuộc sở hữu chung của 2 vợ chồng, đang gửi trong 3 ngân hàng.

Cụ thể, HĐXX xem xét lại khoản tiền được cho là tài sản chung đang gửi ở 3 ngân hàng (1 ngân hàng vắng mặt trong phiên xử hôm nay). Tuy nhiên, đại diện 2 ngân hàng đến dự tòa trả lời rằng họ không mang theo tài liệu, không nắm rõ số dư hiện tại trong các tài khoản gửi tiền liên quan đến vợ chồng ông Vũ - bà Thảo.

Trước tình thế đó, HĐXX công bố tài liệu thu thập trước đó tại 3 ngân hàng. Tổng cộng, ngân hàng xác nhận bà Thảo gửi khoảng 2.109 tỉ đồng (gồm tiền mặt, ngoại tệ và 1.000 lượng vàng).

 Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên xử chiều 25-2. Ảnh: PHẠM DŨNG

Tuy nhiên, đại diện nguyên đơn nhấn mạnh đó là tài liệu từ năm 2015-2016. Sau tháng 12-2016, số tiền đó không còn nữa. Vì thế, đại diện nguyên đơn khẳng định: "Tài liệu về tài sản mà tòa án thu thập chưa thể hiện phần tài sản chung đó có còn nguyên vẹn tại thời điểm hiện tại hay không? Nghĩa là cơ quan chức năng cần xác định tài sản tại thời điểm phân chia có còn hay không, chứ không thể xác định giá trị tài sản đó trong quá khứ".

Trả lời đại diện VKS về tài sản chung, đại diện bị đơn khẳng định từ năm 2015 đến nay, bà Thảo không có bất kỳ đóng góp nào vào khối tài sản chung; không mua cổ phần, cổ phiếu đối với các công ty thuộc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.

Căn cứ hồ sơ, diễn biến phiên xử, đại diện VKSND TP HCM nhận thấy việc phân chia phần tài sản có giá trị 2.109 tỉ đồng chưa bảo đảm tố tụng, tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Do đó, cơ quan chức năng chưa có cơ sở vững chắc giải quyết vấn đề này.

 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên xử chiều 25-2. Ảnh: PHẠM DŨNG

Đề nghị thuận tình ly hôn

Tại tòa, đại diện VKSND TP HCM đề nghị tòa án giải quyết vụ việc theo hướng thuận tình ly hôn. Hai bên thống nhất bà Thảo nhận quyền chăm sóc 4 người con. Ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng cho 4 con 10 tỉ đồng/năm. "Giao 4 người con cho nguyên đơn nuôi dưỡng là phù hợp với hoàn cảnh thực tế và luật pháp" - đại diện VKS nói. Đồng thời, vị đại diện đề nghị tòa án ghi nhận thỏa thuận cấp dưỡng hai bên thỏa thuận trước đó.

Đối với phần tài sản chung là vốn góp của 2 vợ chồng tại 7 công ty con thuộc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, đại diện VKSND TP cho rằng HĐXX cần xem xét phân chia sao cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi đôi bên, cũng như không gây ảnh hưởng đến hoạt động các công ty. Vị đại diện cho biết thêm pháp luật quy định nguyên tắc chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung trong trường hợp không thể thỏa thuận là chia đôi tài sản (có tính đến yếu tố: công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình, bảo vệ lợi ích chính đáng hai bên trong kinh doanh…). Trước đó, nguyên đơn khai nhận bà có góp tiền lúc ông Vũ khởi nghiệp. Song, nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh điều này. Đồng thời, trong toàn bộ quá trình phát triển Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, ông Vũ nắm quyền quản lý tại hầu hết công ty con trực thuộc. Nhãn hiệu Trung Nguyên bắt nguồn từ lúc ông Vũ khởi nghiệp và phát triển cho đến nay. Sau khi kết hôn, sinh con, bà Thảo vừa chăm sóc con vừa tham gia quản lý công ty.

Về 13 bất động sản thuộc quyền sở hữu chung, đại diện VKS đề nghị HĐXX giải quyết theo phương án bị đơn đưa ra, tức là chia đôi.

 

Nhiều lần hòa giải bất thành

Năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm đơn ly hôn với lý do vợ chồng phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống, điều hành công ty. Bà Thảo cho rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ không quan tâm chăm sóc gia đình, công ty. Trái lại, ông Vũ đề nghị tòa án tạo điều kiện để vợ chồng ông hàn gắn, dù bà Thảo có nhiều lỗi lầm, sai trái. Qua một thời gian không thể tìm tiếng nói chung, hai đương sự giữ nguyên quyết định ly hôn.

Đến ngày 21-2-2019, tại tòa, nguyên đơn đồng ý rút đơn. Song, bị đơn phản đối. Sau khi hòa giải bất thành, phiên tòa tiếp tục diễn ra.