Bộ GTVT trình Thủ tướng nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao
- 13:46 25-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thế giới (Ảnh lớn - đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán mà Nhật, Đài Loan đang áp dụng) |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo tờ trình, đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án.
Theo đề xuất tại báo cáo, tổng chiều dài dự án khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, 14km tại Hà Nội đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi), còn 1.545km đi từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm; có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Dự án có tổng mức đầu tư 1.334.459 tỷ đồng (58,71 tỷ USD).
Dự án được chia thành 2 giai đoạn xây dựng: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 516,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD), giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD).
Thời gian thực hiện dự kiến như sau: 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.
Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất Nhà nước đầu tư khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư (mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị; chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng). Theo phân tích của đơn vị tư vấn nghiên cứu (Liên danh do Tổng công ty tư vấn thiết kế (Tedi) đứng đầu), tỷ lệ này mang lại tính khả thi về hiệu quả tài chính.
Đánh giá tác động tới nền kinh tế hoặc nợ công, báo cáo nghiên cứu cho biết, với trường hợp sử dụng 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hàng năm trong giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP. Trường hợp 100% vốn đi vay, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% theo quy định trong suốt hai giai đoạn đầu tư dự án.
Về công nghệ, nội dung tờ trình cho biết, nguyên lý chung của đường sắt tốc độ cao chạy trên ray là sử dụng động cơ điện và chạy trên ray tiêu chuẩn. Vấn đề cốt lõi tạo nên sự khác biệt là của công nghệ gồm công nghệ đoàn tàu là công nghệ đoàn tàu và hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển chạy tàu. Trong đó, công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán (Nhật, Đài Loan); công nghệ hệ thống thông tin tín hiệu, sử dụng công nghệ truyền tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến, đóng đường sử dụng phân khu di động.
“Việc lựa chọn công nghệ nêu trên đảm bảo tính đồng bộ, tiếp cận các công nghệ tiên tiến; thuận lợi cho việc tiếp nhận, chuyển giao sau này và giảm thiểu chi hí đầu tư xây dựng hạ tầng (trong bối cảnh quy mô công trình cầu, hầm chiếm 70%)”, nội dung tờ trình nêu.
Về tổ chức chạy, tàu, thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM là 5h20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6h55 phút nếu dừng ở tất cả các ga. Thời gian khai thác từ 6-24h. Mô hình quản lý khai thác dự án là tách bạch quản lý với kinh doanh, theo đó thành lập tổng công ty nhà nước quản lý hạ tầng, còn nhà đầu tư thành lập các công ty vận tải để vận hành, khai thác.
Nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất Nhà nước đầu tư 80% vốn tổng mức đầu tư vào hạ tầng, 20% vốn tư nhân |
Về nguồn nhân lực, dự án cần khoảng 13.773 nhân lực với các chuyên ngành khác nhau, trong đó giai đoạn đến năm 2030 cần đào tạo 5.182 người, đến năm 2040 cần đào tạo thêm khoảng 7.569 nhân lực và đến 2050 cần thêm khoảng 932 nhân lực. Để đáp ứng được nguồn nhân lực, cần có một đơn vị đào tạo đủ năng lực kết hợp với các trường đại học trong và ngoài nước, viện nghiên cứu đường sắt và chuyên gia nước ngoài hỗ trợ dự án.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong bước tiếp theo sẽ nghiên cứu phương án thành lập học viên đường sắt riêng hoặc trên cơ sở các viện nghiên cứu hiện có để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cùng đó, đề xuất cần thành lập trước công ty khai thâc đường sắt tốc độ cao 5-7 năm để chuẩn bị khai thác.
Về phát triển công nghiệp đường sắt, dự kiến các đơn vị chuyển giao công nghệ phải xây dựng các cơ sở công nghiệp và liên doanh với các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam nhằm rút ngắn quá trình tiếp nhận và làm chủ công nghệ.
“Trên cơ sở tiến độ dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm thành lập hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án theo quy định”, nội dung tờ trình nêu.