Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Clip Đặng Lê Nguyên Vũ giảng về đạo kinh doanh tại phiên toà ly hôn thu hút hàng triệu lượt xem

Trong phiên tòa xử vụ ly hôn với vợ, 'vua cà phê' Trung Nguyên đã thuyết trình về viễn kiến và chiến lược dành cho Tập đoàn Trung Nguyên. Clip Đặng Lê Nguyên Vũ giảng về đạo kinh doanh đang “gây bão” trong giới khởi nghiệp với hàng triệu lượt xem.

Phiên toà xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên không chỉ gây chú ý vì những tranh cãi về phân chia khối tài sản mà còn được quan tâm bởi nhiều lý lẽ về gia đình, tình cảm, và đặc biệt là triết lý kinh doanh được lãnh đạo Trung Nguyên chia sẻ ngay tại tòa. 

Clip dài hơn 4 phút ghi lại lúc Đặng Lê Nguyên Vũ giảng về đạo kinh doanh, định hướng phát triển Trung Nguyên được phát trên một trang Facebook đã thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. 

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2019/02/25/_____ng_L___Nguy__n_V___gi___ng_v_________o_kinh_doanh_t___i_phi__n_to___ly_h__n_thu_h__t_h__ng_tri___u_l_____t.mp4[/presscloud]

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ diễn giải tại tòa về chiến lược phát triển Trung Nguyên. 

Dùng tiền thông minh cho marketing, không dùng tư duy con buôn

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng 20 năm nay, Trung Nguyên không còn tính mới. "Giai đoạn này phải xác định là giai đoạn đầu tư, không phải giai đoạn khai thác thương hiệu. Nếu bạn có kiến thức về kinh tế sẽ hiểu ngay điều này. Giai đoạn đầu tư và khai thác khác nhau lắm", ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, ở giai đoạn đầu tư phải cao cấp hơn, phải đi tới nhà máy thay đổi công nghệ, đào luyện luôn cả con người bên ngoài và bên trong, xử lý lại luôn nguyên liệu.

Về mặt nguyên tắc, ông Vũ cho rằng "thông minh khi dùng tiền" là trích 10% của doanh thu dự kiến dành cho marketing.

"Nếu doanh thu 5.000 tỷ/năm (hiện dự kiến ở mức 5000 tỷ), nghĩa rằng được phép trích ra 10% - 15%, tức 500 tỷ đồng để dùng vào việc khác. Thay vì dùng việc chiết khấu theo kiểu buôn bán bình thường, thì mình dùng việc lấy lòng gián tiếp hơn", ông Vũ nói.

 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ - bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa xử tranh chấp ly hôn.

Ông nói thêm rằng: "Xe cộ vẫn còn đó, đâu có thay đổi gì. 500 tỷ, 700 tỷ, thậm chí 1000 tỷ cũng vẫn còn đó, không mất đi. Đó là sự thông minh. Mà siêu xe thì lại rất là bền chứ không phải hết sự kiện là biến mất, suy nghĩ đó là phải có trí tuệ", ông Vũ trình bày nhằm lý giải cho thắc mắc của phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc ông Vũ bỏ tiền ra để mua siêu xe.

Được biết, ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sở hữu nhiều siêu xe, xe sang nhất Việt Nam với nhiều siêu xe thuộc hàng độc nhất vô nhị. Đến nay, rất ít người biết được số lượng thực tế siêu xe mà ông Vũ sở hữu.

Hồi năm 2011, trong một buổi chia sẻ tại Học viện Lãnh đạo FPT, ông Vũ có tâm sự về thú chơi của mình: "Nếu chúng ta ngộ rằng, ta chỉ rong chơi vài chục năm thì trong cái rong chơi này ta phải chơi như thế nào? Hoặc là chơi tới bến - 60 năm cuộc đời, hoặc là chơi có trách nhiệm".

'Kinh tế là kinh bang tế thế'

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng bản thân muốn phát triển "triết đạo Trung Nguyên cà phê" đúng tầm nhìn 20 năm.

"Một học thuyết cà phê, một Trung Nguyên triết đạo cùng với những giáo sư, doanh nhân khắp nơi, kể cả những cái nôi cà phê để hình thành nên một triết đạo "Trung Nguyên cà phê", hình thành nhiều chiều cách liên đới. Thực ra đó là một quyển sử cà phê từ khi hình thành đến lưu thoáng, ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống. Trên cái nền đó, Trung Nguyên mới có thể hoạch định cái thứ tạo ra sự khác biệt duy nhất để có thể đi xa trên toàn cầu", ông Vũ nói.

Ông Vũ cho rằng: "Muốn làm được chuyện đó phải có hai cái "nền". Một là nền tảng "trí", hai là nền tảng "tâm". Tâm thức của một con buôn không thể làm việc được".

Cuối cùng, ông Vũ nói về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ cho rằng đó mới là hướng đi bền vững, những hình thức khuyến mãi hay chiết khấu của bà Thảo đưa ra sẽ không mang lại giá trị lâu dài.

 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng bản thân muốn phát triển "triết đạo Trung Nguyên cà phê" đúng tầm nhìn 20 năm.

"Trung Nguyên bản chất của nó từ xưa đến nay, những người anh em, người bạn hay luật sư ở đây đều biết, nó mở ra từ đầu đã luôn có trách nhiệm xã hội. Đi từ 1 thương hiệu Việt ngày xưa, các nhóm doanh nghiệp trẻ bây giờ, hình thành, dựng xây như bây giờ do Trung Nguyên chính là người tiên phong, khởi xướng, thúc đẩy. 

Kinh tế, bản chất của nó một người có tầm sẽ hiểu là kinh bang tế thế, phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình, trách nhiệm một chút, họ mới mua dịch vụ, mua sản phẩm của mình, dù gián tiếp nhưng lâu bền. Chứ không phải khuyến mãi hết đợt này đến đợt khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có nhiều tập đoàn cà phê khác gia nhập vào thị trường", ông Vũ nói về tầm nhìn và hướng đi của Trung Nguyên", Chủ tịch Trung Nguyên nói.

Bình luận về chia sẻ của ông chủ Trung Nguyên tại tòa, một người dùng Facebook có quan điểm đồng tình cho rằng: "Cách anh Vũ làm marketing đánh đúng vào trọng tâm người Việt bây giờ. Cafe nước ngoài vào Việt Nam quá nhiều cần có cách đi khác, chiết khấu giảm giá khuyến mại... đó là tư duy bình thường của 1 con buôn. Thường khó lớn kiếm 100-200 tỷ chắc thôi. Tư duy của anh Vũ có 7000 tỷ trong tay cũng đúng thôi. Sử dụng marketing (10% doanh thu 5000 tỷ = 500 tỷ) phơi siêu xe + tăng sách free để cho giới trẻ cộng đồng thu phục khi phong trào khởi nghiệp đang diễn ra mạnh + vừa giúp họ phát triển đất nước được tốt hơn + vừa giúp cho Trung Nguyên dễ đi vào lòng người để họ yêu Trung Nguyên hơn trung thành với Trung Nguyên hơn , hạn chế dùng sản phẩm của nước ngoài.... Anh còn nói cả chuyện thay đổi cả hệ thống thay đổi cả công nghệ, tái cấu trúc toàn bộ lại Trung Nguyên... Thực sự tài sản có 7000 tỷ mà vẫn ngồi nghĩ sao cho công ty phát triển thì cũng tầm thế nó khác hoàn toàn rồi. 1 người từ 2 bàn tay trắng làm lên 1 trong những niềm tự hào cho dân Việt Nam. Khâm phục. Việc anh đòi 70% Trung Nguyên cũng đúng thôi. Khi chị Thảo có 36% thôi thì công ty có 2 chủ, 1 công ty 2 chủ thì biết rồi đấy không đưa ra được 1 cái gì quyết định được cả...".

Trong khi một độc giả khác lại cho rằng: "Ông Vũ đúng đấy, nhưng có lẽ những chiến lược và kế sách của ông phải vài chục năm nữa mới có thành quả và người ta mới hiểu ra ông đúng. Những người đi trước thời đại thường cô đơn và lạc lõng như thế vì trên thế gian không có ai hiểu được mình, giống như khi nhà bác học Ga-li-le nói trái đất quay quanh mặt trời thì cả xã hội chẳng ai tin và đều cười nhạo ông. Giá như người vợ - người bạn đời tri âm tri kỷ có thể hiểu được ông và ủng hộ ông thì tốt biết bao...".

Tuy nhiên một độc giả khác lại bày tỏ hoài nghi: "Ông chủ Cà phê Trung Nguyên là một người vĩ cuồng, tức là một người cho rằng mình có thể thay đổi cả thế giới. Không khẳng định việc đó đúng hay sai nhưng chắc chắn là rất khó. Trong việc uống cà phê, ông đang làm cái việc đi ngược với thời đại, đi ngược với xu hướng "phi trà đạo", tức là việc ăn uống trở nên đơn giản, nhanh chóng, giành thời gian cho việc khác. Không phải người ta không muốn thư giãn, nhâm nhi ly cà phê mỗi sáng nhưng cuộc sống "cơm, gạo, áo, tiền" buộc người ta tranh thủ từng phút từng giây. Thời gian là tiền bạc. Có thể ông chủ cà phê đã có quá nhiều tiền nên không cần làm "con buôn" để kiếm tiền nhưng nhân viên của ông cần kiếm tiền, khách hàng của ông cần kiếm tiền. Liệu có bao nhiêu "người anh em thiện lành" đồng hành với ông? Ông Vũ xuất thân là con nhà nghèo. Nhưng vợ ông xuất thân là con nhà kinh doanh, như ông gọi là "con buôn". Vợ ông chưa bao giờ ý thức mình là "con buôn" hay không, bà chỉ làm những việc những người vợ bình thường vẫn làm là ở phía sau hộ trợ cho chồng tạo lập sự nghiệp. Ông Vũ xây dựng nên thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, điều này ai cũng biết. Nhưng ít ai biết là đó chỉ là bề nổi. Cơ sở cho Trung Nguyên phát triển không phải là công thức pha chế mà là công thức khai thác giá trị gia tăng, nói nôm na là 'mua rẻ bán đắt' sau khi đã 'pha chế'. Bởi vậy, câu ông nói "không thể kinh doanh bằng tư tưởng con buôn" có còn đúng bản chất của sự việc hay không?...".