Chiến thuật nghi binh của chuyên cơ chở tổng thống Mỹ
- 07:42 25-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ. Ảnh: White House. |
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Singapore hồi tháng 6/2018 để gặp thượng đỉnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các nhân viên điều khiển không lưu tại sân bay quốc tế Changi phải chú ý cùng lúc hai máy bay phản lực Boeing 747 có màu sơn xanh trắng giống nhau như đúc.
Đây là một phần trong chiến thuật nghi binh mà Mỹ thường áp dụng đối với chuyên cơ chở tổng thống. Một trong hai chiếc Air Force One đó không chở ông chủ Nhà Trắng, chỉ đóng vai trò "chim mồi" và sẽ hạ cánh xuống một sân bay khác.
Trong các chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ thường có ít nhất một "chim mồi" như vậy vì lý do an ninh. Lịch trình bay của chuyên cơ chở tổng thống Mỹ được giữ kín hoàn toàn và đôi khi thời gian hay địa điểm hạ cánh được thay đổi vào giờ chót, theo Straits Times. Trong một số tình huống, địa điểm hạ cánh chỉ được chốt chưa đầy một tiếng trước khi chuyên cơ chở tổng thống Mỹ đến nơi.
Tất cả các phương án về sân bay, thời gian hạ cánh của máy bay đều do lực lượng mật vụ Mỹ quyết định sau thời gian khảo sát tại thực địa và có thể thay đổi vào phút chót tùy vào tình hình an ninh xung quanh, một nguồn tin an ninh cho biết.
Air Force One trên thực tế không phải tên riêng của chuyên cơ chở tổng thống Mỹ, đây là mã đàm dành cho bất cứ máy bay quân sự nào của Mỹ chở tổng thống. Trong chuyến thăm Iraq năm 2013 của cựu Tổng thống George W. Bush, một chiếc phản lực Gulfstream C-20 được sử dụng mã đàm Air Force One.
Chuyên cơ chở tổng thống Mỹ có khả năng tiếp liệu trên không nhưng thường dừng nghỉ tại các căn cứ quân sự Mỹ giữa hành trình nếu phải bay đường dài. Các căn cứ Mỹ tại Alaska, Đức hoặc Nhật Bản hay được chọn làm nơi tạm dừng của chuyên cơ Air Force One.
Chuyên cơ này có thể bay với vận tốc tối đa 965 km/h, được trang bị những hệ thống phòng thủ thuộc hàng tối tân có khả năng ngăn chặn tên lửa không đối không và gây nhiễu radar đối phương.
Công việc chuẩn bị cho các chuyến bay ra nước ngoài của tổng thống Mỹ có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng. "Hàng trăm nhân viên chính phủ và binh sĩ quân đội tham gia vào mỗi chuyến công du của tổng thống Mỹ. Mỗi chuyến đi đòi hỏi hàng chục chuyến bay, bao gồm một chuyên cơ dự phòng và vận tải cơ phụ trách chuyển đoàn xe hộ tống, trực thăng và thiết bị liên lạc", biên tập viên Garrett M. Graff của Politico viết.