Đề xuất tuyển giáo viên như tuyển quân đội
- 08:47 23-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ |
Chiều 21/2, sau khi nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân cho Luật Giáo dục sửa đổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề liên quan. Đề cập đến loại hình sách giáo khoa, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nếu thực hiện xã hội hóa thì sẽ rất khó, rất gay. Điều này đã được nhiều đại biểu cho ý kiến trước đây. Ông đề nghị phải thống nhất một bộ sách giáo khoa trên cả nước, còn lại là các sách tham khảo.
Về việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm, theo ông Đỗ Bá Tỵ, giáo viên là ngành đặc thù nên phải ưu tiên, có thể ngang với lực lượng vũ trang, nên có thể tuyển theo cách như quân đội là tốt nhất. Qua đó, sẽ đào tạo theo chỉ tiêu, cần số lượng bao nhiêu sẽ tuyển bấy nhiêu, và khi ra trường sẽ phân công công việc ngay.
Với chế độ cử tuyển vẫn phải có ưu tiên, học xong về bố trí việc làm ngay, nhưng phải theo sự phân công chứ không được lựa chọn. “Anh phải nhận nhiệm vụ theo sự phân công, nếu không thì tôi không chấp nhận và đi nơi khác họ cũng không nhận. Phải giáo dục như thế để họ yên tâm khi vào ngành giáo dục”, ông Tỵ cho hay.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu làm được như Phó chủ tịch Quốc hội sẽ là lý tưởng, nhưng theo xu thế chung thì tới đây luật sẽ định hướng, còn sau này sẽ quy định rõ trách nhiệm với các trường sư phạm. Qua đó sẽ quản chặt đầu vào và có cơ chế đặt hàng, để có số lượng đào tạo phù hợp.
Riêng vấn đề lương cho nhà giáo, theo Phó Thủ tướng, vấn đề này được tranh luận rất nhiều, nhưng do nghị quyết của trung ương nên cũng không thể làm khác được, nên phải có sự hài hòa thông qua việc điều chỉnh chế độ phụ cấp.
Cho ý kiến về chương trình sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với điều kiện hiện nay, trước mắt chúng ta nên có một bộ sách dùng chung, nhưng cũng đưa ra lộ trình, khi trình độ đất nước, dân trí, nhận thức xã hội nâng lên, lúc đó mới nghĩ tới nhiều bộ sách giáo khoa theo nghị quyết mà hội nghị trung ương đề ra.
Đối với lương cho nhà giáo, bà Ngân đồng tình với việc phải có ưu đãi để thu hút, nhưng cũng không nên tính phụ cấp cao nhất, vì như vậy sẽ phá vỡ hệ thống pháp luật chung. Về phân công công việc, cũng không nên có chế độ tuyển dụng riêng, vì sẽ phá vỡ Luật Viên chức. Còn việc thừa thiếu giáo viên, có thể điều hòa tình trạng thừa thiếu cục bộ cho đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
“Nếu ra chế độ tuyển dụng riêng cho ngành giáo dục, rồi mai mốt ngành khác lại như thế thì rất phức tạp”, bà Ngân nêu.