Thi THPT quốc gia 2019: Ai chịu trách nhiệm cao nhất?
- 15:54 22-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam bị can Đặng Hữu Thủy liên quan tới vụ gian lận thi cử tại Sơn La năm 2018 Ảnh: Nguyễn Quốc |
“Dù quy chế có kỹ đến mấy, quy trình có tường minh đến bao nhiêu nhưng con người không tự giác, đặc biệt có ý định từ đầu, có tổ chức để gian lận thì khó có thể nói không có điều gì xảy ra. Nên ta không được phép chủ quan. Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các địa phương trong tổ chức kỳ thi này” - ông Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) nói trong cuộc trao đổi với báo chí chiều qua, 21/2.
Ông Mai Văn Trinh nói: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức cơ bản ổn định như những năm vừa qua. Tuy nhiên, có điều chỉnh một số giải pháp, chủ yếu về mặt kỹ thuật để hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khắc phục tiêu cực xảy ra như năm 2018. Gian lận của kỳ thi đều có thể xảy ra ở tất cả các khâu. Do đó, Bộ có các giải pháp đưa ra trải đều ở các khâu.
Từ sắp xếp phòng thi, các hội đồng thi sẽ chọn vài điểm thi để thí sinh tự do thi cùng với thí sinh THPT lớp 12 và thí sinh thường xuyên. Các thí sinh được “trộn lẫn” và sắp xếp theo A, B, C. Sắp xếp số báo danh tại các phòng thi theo sự trợ giúp của máy tính.
Khâu in sao đề thi, tiếp tục tăng cường các giải pháp như trong dự thảo quy chế đã đưa ra. Vận chuyển đề thi và bài thi cũng quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Đối với khâu chấm thi, Bộ đưa ra giải pháp tăng cường giám sát ở khu vực chấm thi. Niêm phong túi bài thi năm nay được quy định cụ thể, chi tiết. Tem niêm phong sẽ được quy định chung theo mẫu bằng vật liệu dễ rách. Trên tem niêm phong có chữ ký của cán bộ coi thi thứ nhất, thứ hai, phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH. Sau khi dán tem niêm phong thì còn phải phủ một lớp keo dính trong lên để đảm bảo mọi can thiệp vào tem niêm phong sau khi dán đều bị phát hiện.
Năm nay vẫn chấm kiểm tra theo quy định ít nhất 5% số bài thi nhưng những bài điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm nhằm kịp thời phát hiện tiêu cực (nếu có) ngoài những bài ngẫu nhiên như những năm trước. Việc đánh phách bài thi trắc nghiệm để không có mối quan hệ giữa thí sinh và bài thi.
Tất cả các giải pháp trên chỉ có thể thực hiện tốt khi yếu tố con người tốt. Do đó, trong quy chế năm nay, chúng tôi nhấn mạnh chọn nhân sự từng khâu cụ thể. Công tác tập huấn cũng kỹ hơn, ton diện hơn.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm cao nhất
Ông nói con người là yếu tố quan trọng. Vậy làm thế nào để giảm thiểu các công đoạn thủ công khi tổ chức kỳ thi?
Với xu hướng hiện nay, cho phép chúng ta tính toán dần làm thế nào để tăng cường sự hiện diện của công nghệ thông tin trong tổ chức kỳ thi. Một trong những phương án mà chúng tôi nghĩ đến là đến thời điểm nào đó khi ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, sự chuẩn bị sẵn sàng của thí sinh trong cả nước, có thể xem xét yếu tố tổ chức thi trên máy tính. Nói như thế không có nghĩa là cứ tổ chức thi trên máy tính là mọi công việc được giải quyết. Vì khi tổ chức như thế cũng sẽ xuất hiện những vấn đề mới. Khi hình thức này được áp dụng, tất nhiên sẽ kèm theo giải pháp về mặt công nghệ, con người. Tuy nhiên, con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của kỳ thi này.
Sau những sự cố xảy ra năm 2018, không ít người cảm thấy hoài nghi về tính khách quan, chính xác của kỳ thi ở góc độ địa phương tổ chức. Ông có thông điệp nào để gửi tới các địa phương không?
Nhìn cách thức mà Bộ GD&ĐT và Bộ Công an cũng như các bộ ngành liên quan khác xử lý sai phạm tiêu cực thi cử tại các địa phương thì tôi có thể nói: những sai phạm này rất cá biệt và không được phép diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào. Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý, xử lý đến cùng tất cả mọi đối tượng vi phạm để hướng tới kỳ thi đảm bảo mục tiêu đặt ra.
Từ những gì đã diễn ra năm vừa qua, Bộ gửi thông điệp rất rõ ràng đến các địa phương: việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp chính là ban chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố. Do đó, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố phải được đặt lên rất cao. Mọi sai sót của kỳ thi xảy ra thì địa phương là nơi chịu trách nhiệm trực tiếp. Do đó, Bộ mong các địa phương tạo niềm tin cho con em mình, cố gắng làm tròn trách nhiệm mà kỳ thi hướng tới, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công, tuyệt đối không để xảy ra những sai phạm như 2018.
Tăng cường vai trò của các trường ÐH
Theo dự thảo, vai trò của các trường ĐH được tăng lên. Điều này có mâu thuẫn với việc chúng ta cho các trường ĐH tự chủ tuyển sinh?
Các trường ĐH tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia không ảnh hưởng đến câu chuyện tự chủ trong tuyển sinh. Trong quy chế nói rõ, các trường ĐH tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vào tuyển sinh ở mức độ nào là quyền của các trường. Các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức kỳ thi này vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ lợi ích cho các trường. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Vì vậy, khi các trường tham gia thì đảm bảo kỳ thi an toàn hơn, kết quả khách quan hơn, có nghĩa là đầu vào của các trường tốt hơn. Các trường đang phục vụ lợi ích của chính mình. Phần lớn các trường ĐH lớn sẵn sàng tham gia kỳ thi này. Trong thời gian qua, các trường ĐH đã đóng góp vào sự thành công của kỳ thi.
Với những điều chỉnh Bộ vừa đưa ra, liệu có ngăn chặn được tiêu cực trong thi cử?
Các địa phương không cần sáng tạo, chỉ cần thực hiện đúng theo quy định của quy chế, đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ đảm bảo thành công của kỳ thi này. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc rằng dù quy chế có kỹ đến mấy, quy trình có tường minh đến bao nhiêu nhưng con người không tự giác, đặc biệt có ý định từ đầu, có tổ chức để gian lận thì khó có thể nói không có điều gì xảy ra. Nên ta không được phép chủ quan. Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các địa phương trong tổ chức kỳ thi này.
Xin cảm ơn ông!
Tháng 3 Bộ sẽ tiến hành tập huấn cho các địa phương, các trường ĐH. Bắt đầu từ 1/4 thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia. |