Phản biện còn hạn chế, góp ý với lãnh đạo biểu hiện né tránh
- 16:45 22-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay (22/2), tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa 11) về thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và 218 |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn biểu dương đối với kết quả giám sát, phản biện xã hội, góp ý thông qua các con số và việc làm cụ thể, ấn tượng.
Đặc biệt, đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân và ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, hoạt động giám sát phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp vẫn còn hạn chế, nhất là ở một số cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động phản biện xã hội mới chỉ là góp ý, kiến nghị về chủ trương, chính sách, chưa đưa ra được ý kiến ở mức độ chuyên sâu.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng, việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn hình thức, nhất là việc góp ý đối với người đứng đầu cấp ủy chính quyền còn biểu hiện né tránh, nể nang, phương pháp còn lúng túng.
“Ở một số đơn vị việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo quy trình, nặng về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, chưa thực sự phát huy tính tích cực của nhân dân, huy động ý kiến nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”- ông Trần Văn Vinh nói.
Nhiều ý kiến đề nghị đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội gắn với việc phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng các cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất giữa những người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nhất là trong việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn, qua đó tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải có đội ngũ có trình độ chính trị, chuyên môn nhất định và có năng lực hoạt động thực tiễn trong công tác giám sát và phản biện xã hội.
Thực hiện việc giám sát đúng quy trình, quy định với cách làm phương pháp linh hoạt với từng nội dung phù hợp với từng địa phương đơn vị, nhất là việc góp ý cho lãnh đạo, góp ý cho việc chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và góp ý cán bộ đảng viên, công chức, người đứng đầu.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, thực tiễn đã khẳng định, động lực để nhân dân đồng thuận và tham gia vào quá trình phát triển là phát huy quyền làm chủ và quan tâm đến lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Bà Trương Thị Mai đề nghị đổi mới cách thức tổ chức hoạt động từ khâu nghiên cứu, lựa chọn, quyết định nội dung giám sát, phản biện, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống nhân dân, những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm.
Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XII, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh cần quan tâm việc tham gia góp ý kiến vào nội dung dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp và công tác nhân sự, tiến tới Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.