Tiền nhiều để làm gì? Từ câu hỏi của Đặng Lê Nguyên Vũ nghĩ về cách các tỷ phú quan niệm về tiền bạc
- 08:17 22-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông chủ Trung Nguyên: Tiền để làm gì?
Tại phiên tòa xét xử vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo ngày 20/2, ông Vũ đã bộc bạch tiền với quyền không để làm gì.
Khi bà Thảo yêu cầu ông Vũ phải chu cấp 20% cổ phần cho 4 người con, ông Vũ nói: "Bao nhiêu năm nay tôi không còn quan tâm đến chuyện tiền bạc. Tiền nhiều để làm gì để ngày hôm nay phải ngồi như thế này? Tiền và quyền để làm gì để cô phải dùng mọi thủ đoạn, sử dụng quyền làm vợ và làm mẹ để khống chế mọi chuyện?".
“Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”, ông Đặng Lê Nguyễn Vũ đã nói như thế trong phiên tòa xử ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Tuyên bố "tiền nhiều để làm gì" nhưng cuối cùng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề nghị tài sản là tiền, cổ phần, phần vốn góp sẽ được chia theo tỷ lệ ông Vũ 70% và vợ là 30%.
Vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo vốn là những doanh nhân nổi tiếng tạo thương hiệu cà phê Trung Nguyên và cà phê hòa tan Trung Nguyên (G7).
Ngoài 13 bất động sản ước tính trên 700 tỷ đồng, vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên còn sở hữu khoảng 2.000 tỷ đồng (tiền mặt, ngoại tệ, vàng), số vốn góp trong 7 công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên... Theo số liệu phía ông Vũ đưa ra thì tổng cộng số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Chưa bao giờ xem tiền là mục tiêu
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup là người đang sở hữu khối tài sản trị giá 7,7 tỷ USD, tương đương khoảng 170.000 tỷ đồng, đứng thứ 195 người giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes.
Hồi đầu tháng 1 năm nay, lần đầu tiên vị tỷ phú giàu nhất Việt này đã chia sẻ khá nhiều về quan điểm cá nhân về tiền bạc.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, tiền là "công cụ, phương tiện của mình làm việc" |
Theo Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tiền là "công cụ, phương tiện của mình làm việc". "Trong người tôi không bao giờ có đồng nào, khi đi ra ngoài cần tiêu gì đấy lại phải mượn lái xe", ông nói.
Năm 2018 doanh thu thuần của tập đoàn Vingroup cán mốc 122,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, tập đoàn này đặt mục tiêu chuyển hướng sang công nghệ và công nghiệp.
Tuy nhiên chính tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho biết: "Nói đến cùng thì Vingroup đã phải là có nhiều tiền đâu để thực hiện hàng loạt dự án lớn như thế. Mình cũng phải đi vay và cứ phải lấy miền xuôi nuôi miền ngược để mà chiến đấu thôi. Nhưng các dự án đều có tính thuyết phục cao nên mới vay được và lúc nào cũng phải vay đến 50-70 nghìn tỷ, đâu phải là ít đâu".
Nói thế để thấy tầm quan trọng phương tiện này. Đây cũng là phương tiện giúp doanh nghiệp có thể vay vốn thực hiện các dự án lớn khác của chính tập đoàn này.
Dù vậy, với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông cũng chưa bao giờ xem tiền là mục tiêu bởi "không có nhu cầu gì nhiều. Cơm ăn áo mặc, nhà cửa, xe cộ... có rồi". Mục tiêu của tỷ phú này được đề cập là "làm đẹp cho đời".
Ông chủ Google: Rất nhiều tiền sẽ mua được một chút hạnh phúc
"Nếu động lực của chúng tôi là tiền bạc, chúng tôi đã bán công ty từ rất lâu rồi và giờ đang nghỉ ngơi tại các bãi biển", Larry Page - đồng sáng lập, CEO của Alphabet Inc. (công ty mẹ Google) từng khẳng định như vậy về chuyện tiền bạc.
Trong khi đó, người bạn của Larry Page là Sergey Brin - đồng sáng lập Google và là Chủ tịch của Alphabet Inc. chia sẻ rằng: "Bạn thường nghe được câu 'tiền bạc không mua được hạnh phúc'. Nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ rằng rất nhiều tiền sẽ mua được một chút hạnh phúc. Tuy rằng điều đó không thực sự đúng".
Bill Gates và Warren Buffett: 99% tài sản sẽ dành cho từ thiện
Là những người được xếp hạng giàu nhất thế giới, có khối tài sản tăng lên từng ngày, thế nhưng cả Bill Gates, Warren Buffett và Richard Branson ít nói đến việc chi tiêu cho cá nhân mà thường nổi trội ở các hoạt động xã hội, mang tính cộng đồng. Theo ba doanh nhân này, giá trị của thành công không dừng ở tiền bạc mà phải liên quan đến hạnh phúc và những người xung quanh.
Khi được hỏi về định nghĩa của thành công, Bill Gates đã trả lời bằng cách trích dẫn câu nói của người bạn thân: "Warren Buffett đã luôn nói rằng thước đo của thành công đó chính là liệu những người luôn bên cạnh bạn có cảm thấy hạnh phúc và yêu thương bạn hay không".
Cả Bill Gates và Warren Buffett đều cam kết dành 99% tài sản cho việc từ thiện. |
Theo quan điểm của Bill Gates, sáng lập ra Microsoft là điều lớn nhất ông từng làm. Tuy nhiên, ông cam kết 99% tài sản ông kiếm được sẽ dành cho việc từ thiện.
Từ năm 1994, hai vợ chồng Bill Gates đã cho đi 35 tỷ USD cổ phiếu và tiền mặt. Phần lớn số này được họ đưa vào quỹ từ thiện mang tên hai vợ chồng - Bill & Melinda Gates Foundation.
Đồng sáng lập Microsoft cũng từng chia sẻ: "Tôi có thể hiểu ước muốn sở hữu hàng triệu USD, đi liền với nó là một chút tự do, sự tự do có ý nghĩa. Tuy nhiên, một khi bạn có nhiều hơn thế, tôi phải nói với bạn rằng, mọi thứ không có gì khác biệt".
Tương tự Bill Gates, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đã cống hiến rất nhiều tài sản của mình cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates và quyết định tặng 99% giá trị tài sản của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Vị tỷ phú này còn nổi tiếng với việc chi tiêu đạm bạc cho cuộc sống. Hiện ông vẫn ở trong ngôi nhà cũ được mua từ hàng chục năm trước và đi chiếc xe ô tô đời cũ. Dường như, vật chất không khiến ông bận tâm hay suy nghĩ.
Ông trùm kinh doanh Richard Branson cũng đo lường giá trị thành công bằng niềm hạnh phúc.
"Có quá nhiều người đánh giá mức độ thành công của mình thông qua cách họ kiếm được bao nhiêu tiền hay tạo được bao nhiêu mối quan hệ với những người mà họ kết giao. Với tôi, thành công thực sự phải được đánh giá bằng hạnh phúc của chính mình", ông viết trong một bài đăng trên LinkedIn.
Người sáng lập Virgin Group Richard Branson quan niệm rằng nếu bạn bắt đầu công việc để đạt được niềm hạnh phúc, thì bạn sẽ thấy sự giàu có sẽ theo đuổi phía sau.