Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao dự án nghìn tỷ ở Nghệ An chậm tiến độ?

Nhà đầu tư được chính quyền địa phương bàn giao “mặt bằng sạch” để thực hiện thi công dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9/2018.

Thế nhưng, khi công đoạn xây lắp sắp hoàn thành thì nhà đầu tư gặp phải phản đối từ người dân vì mặt bằng thi công đã bịt đường giao thông đi lại. Sự việc xảy ra tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An không chỉ làm chậm tiến độ thi công dự án mà còn khiến nhà đầu tư thiệt hại đủ đường.

 Dự án nghìn tỷ ở Nghệ An chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Đẩy nhà đầu tư vào thế khó

Tháng 3/2016, UBND tỉnh Nghệ An, Công ty cổ phần Đầu tư Cotec HealthCare, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An (Cty CP Bệnh viện đa khoa Nghệ An) tổ chức khởi công dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2. Dự án có quy mô diện tích 26.722m2, quy mô 600 giường bệnh, theo tiêu chuẩn bệnh viện cao cấp, công suất khám chữa bệnh 1.500 lượt người/ngày với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng (vốn vay ngân hàng hơn 80%). Cty CP Bệnh viện đa khoa Nghệ An ra đời để đại diện cho tư cách pháp lý, pháp nhân thực hiện dự án nói trên.

Đây cũng là dự án được đầu tư theo hình thức công – tư lớn nhất hiện nay ở các tỉnh Bắc Trung bộ theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ. Chính vì vậy, khi tiến hành hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định, nhà đầu tư cũng mong muốn UBND tỉnh Nghệ An tạo mọi điều kiện để thi công theo tiến độ đặt ra. Và, mặt bằng mà nhà đầu tư (NĐT) tiếp quản ban đầu cũng không hề vướng mặt bằng đường giao thông đi qua. Chính vì vậy, khi tiến hành xây dựng, NĐT đã phải bịt lại đường Hồ Tông Thốc để đảm bảo thi công, xây lắp đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, khi dự án sắp cán đích thì NĐT nhận được “sức ép” từ dư luận địa phương phải trả lại nguyên trạng gần 300 m chiều dài đường Hồ Tông Thốc nối QL 1A đi qua khu đất dự án với đại lộ Lê Nin thuộc xã Nghi Phú, TP Vinh. UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu lý do không có nguồn vốn để thi công nên việc xây lắp, đấu nối đường Hồ Tông Thốc với đại lộ Lê Nin theo phương án tài chính do NĐT tự bỏ ra.

Theo đại diện của NĐT thì trước khi bàn giao mặt bằng để thi công dự án, trong hồ sơ quy hoạch chi tiết đã được các cơ quan chức năng thẩm định thì đường Hồ Tông Thốc sẽ được điều chuyển theo hướng đi khác. Trước đó, NĐT cũng không nhận được hồ sơ, văn bản nào từ phía chính quyền nói rằng phải giữ nguyên gần 300 m chiều dài đường Hồ Tông Thốc đi xuyên qua mặt bằng của dự án.

Cuối tháng 12/2018, trong cuộc họp bàn do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì đã thống nhất mở lại gần 300m đường Hồ Tông Thốc dịch chuyển về phía Bắc kênh mương do Cty TNHH MTV Thủy Lợi Nam quản lý; Quy mô lòng đường rộng 7m, vỉa hè 2 bên 2m với kinh phí dự kiến khoảng 6 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc NĐT phải họp bàn lại phương án tài chính đầu tư và làm lại toàn bộ quy trình, thủ tục quy hoạch, giấy phép xây dựng…

Dự án nghìn tỷ chậm tiến độ

Theo đại diện Cty CP Bệnh viện đa khoa Nghệ An cho biết, mặc dù lễ khởi công được thực hiện từ ngày 13/3/2016 nhưng mãi đến ngày 30/4/2017, NĐT mới được tỉnh Nghệ An bàn giao mặt bằng để thi công.

“Chúng tôi phải đi vận động từng nhà dân liên quan đến giải phóng mặt bằng để đề nghị họ di dời. Tiến độ bàn giao mặt bằng cũng tiến triển rất chậm khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Đến thời điểm gần đây, khi UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu NĐT mở lại con đường Hồ Tông Thốc với tổng chiều dài gần 300m cũng trở thành điểm nghẽn cho tiến độ hoàn thành dự án” – ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng Ban pháp chế Cty CP Bệnh viện đa khoa Nghệ An cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Trung, nếu không bị vướng việc điều chỉnh quy hoạch liên quan đến gần 300m đường Hồ Tông Thốc thì dự án hiện nay sẽ đang ở trong giai đoạn hoàn thành, sắp đi vào vận hành. Tuy nhiên, khi mọi công tác chuẩn bị về nhân sự, mua sắm trang thiết bị đã định sẵn kế hoạch thì NĐT buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch theo yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An. Có nghĩa là, dự kiến kế hoạch đưa Bệnh viện hữu nghị đa khoa giai đoạn 2 đi vào hoạt động vào tháng 9/2018 bị “vỡ trận” do vướng mặt bằng.

Ngoài ra, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến quy hoạch phải điều chỉnh lại nên từ tháng 10/2018, dự án đã bị phía Ngân hàng tạm dừng giải ngân. Ngoài ra, việc hoàn thiện thủ tục để cấp quyền sử dụng đất cho NĐT cũng đang bị cơ quan chức năng “treo” lại.

Nhà đầu tư cho rằng, với những gì mà họ đang gặp phải đã khiến đơn vị rơi vào cảnh “thiệt đơn, thiệt kép” và chưa đến bao giờ mới định vị được thời gian hoàn thành để dự án đi vào hoạt động.

Trước thực trạng nói trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính quyền tỉnh Nghệ An cần có giải pháp kịp thời nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng hơn nữa để tránh kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trong thời gian qua.