Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phát hiện cô gái Hà Nội đầu tiên trong năm bị biến chứng hiếm gặp do sởi

Chỉ sau vài ngày sốt cao, phát ban, nữ bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc ghi nhận 429 trường hợp mắc sởi dương tính trong tổng số 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong.

Hiện cả nước đã có 43 tỉnh, thành ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi. Các tỉnh, thành có số mắc cao như: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái.

 PGS. TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho BN sởi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Ảnh: D.Ngọc

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 192 ca mắc sởi, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện khoa đang điều trị cho một bệnh nhân người lớn bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi.

Đó là trường hợp bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo lời kể của người nhà, ngày 8/2 (Mùng 4 Tết) bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sau 3 ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi.

 Vết ban đỏ trên người cô gái Hà Nội biến chứng viêm não sau sởi

Bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện tư nhân ở Hà Nội với chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai ngày 17/2.

PGS. Đỗ Duy Cường xác nhận: Bệnh nhân Đ.H.V được nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi.

Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.

Viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên đây ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở ô-xy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu.

"Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất” – PGS. Cường cho biết.

Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù loà,...

Từ cuối năm 2018 tới nay, do thời tiết diễn biến bất thường, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính. Các chuyên gia cảnh báo số lượng ca sởi ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Đặc biệt ở trẻ em không được tiêm phòng và người lớn lứa tuổi 25-35 do không được tiêm nhắc lại vaccine sởi.

Để phòng bệnh sởi, cần vệ sinh hô hấp và vệ sinh tay, che miệng khi ho hắt hơi, cách ly người bệnh và hạn chế tiếp xúc chỗ đông người. Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tiêm vaccine sởi. Hiện nay trên thị trường có sẵn vaccine sởi đơn hoặc phối hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) rất an toàn. Các bà mẹ nên đưa trẻ độ tuổi 9 tháng tuổi đi tiêm phòng và sau đó nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.