Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô dâu IS người Anh sinh con ở Syria

Thiếu nữ sinh con trai trong một trại tị nạn, hy vọng sớm được về nhà.


 Shamima Begum mới 15 tuổi và đang sống ở London khi trốn khỏi Anh năm 2015. Ảnh: BBC.

4 năm trước, Shamima Begum, 15 tuổi, là một trong ba thiếu nữ vị thành niên chạy trốn khỏi nước Anh, mang theo hy vọng bắt đầu cuộc sống mới khi gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, theo BBC.

Cô được tìm thấy trong một trại tị nạn ở Syria tuần trước, đang mang thai 9 tháng và bày tỏ muốn về Anh sinh con. Begum từng có hai đứa con khác trong thời gian ở Syria, nhưng hai bé đều chết non vì suy dinh dưỡng và ốm yếu. Begum vừa sinh hạ một bé trai khỏe mạnh hôm 17/2.

Khi được hỏi có nghĩ mình sai lầm khi tới Syria không, Begum cho biết "có lẽ, nhưng không hối hận vì điều đó thay đổi con người tôi, khiến tôi mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn. Nhờ đó tôi quen biết và lấy chồng. Tôi sẽ không tìm thấy người tương tự anh ấy ở Anh".

"Tôi có con, tôi đã trải qua quãng thời gian tốt đẹp ở đó. Chỉ là mọi việc dần khó khăn hơn và giờ tôi không chịu được nữa", cô gái 19 tuổi nói. Chồng cô là một người Hà Lan cải đạo sang Hồi giáo, được cho là đã đầu hàng một nhóm dân quân Syria.

Mohammed Tasnime Akunjee, luật sư của gia đình Begum, cho biết gia đình rất vui mừng khi "Shamima mẹ tròn con vuông". Tuy nhiên, khi biết tin cô từng mất hai đứa con ở Syria, họ "rất lo lắng" về đứa trẻ mới sinh và muốn hai mẹ con được về nước.

"Tôi chỉ ở nhà làm nội trợ suốt 4 năm. Họ không có bằng chứng cho thấy tôi mang lại nguy hiểm cho nước Anh", Begum nói.

Mong muốn về Anh của Begum làm dấy lên cuộc tranh luận trên toàn quốc. Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid cảnh báo sẽ "không ngần ngại" ngăn chặn những người Anh từng gia nhập IS về nước. "Thách thức khó nhất hiện nay là việc xử lý thế nào với những người đang tìm cách quay lại. Chính phủ không có nhân viên lãnh sự ở Syria và sẽ không mạo hiểm mạng sống của bất kỳ nhân viên nào để giúp đỡ những người Anh đã gia nhập một nhóm khủng bố mà chính phủ đã ban lệnh cấm".

Haras Rafiq, người từng làm việc trong lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Anh chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết ông hiểu lo ngại của người dân nếu Begum trở lại, nhưng "điều khôn ngoan và đúng đắn" cần làm lúc này là để cô đối mặt với hệ thống công lý của Anh.