Ký ức tháng 2 năm 1979 ở một xã may mắn không bị quân Tàu "xóa sổ"
- 08:12 16-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
40 năm đã qua, nhưng người dân ở Nam Tuấn vẫn không thể quên được những ngày tháng 2 năm ấy. Bà Lý Thị Lợi (63 tuổi, ở xóm Đông An- Đông Hoan) nhớ lại: Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 2 năm 1979, đạn pháo Trung Quốc bắn sang huyện biên giới Thông Nông (cách thị xã Cao Bằng 35 km về hướng tây bắc) mà người dân Nam Tuấn cách đó 20km vẫn nghe tiếng súng, ánh sáng như sấm chớp rạch lên sau những đỉnh núi. Tiếng kẻng báo động của hợp tác xã vang lên, người dân tụ họp ở sân kho hợp tác xã, nghe nói giặc Tàu đánh vào, cần sơ tán gấp.
(ảnh TTXVN) |
Lúc ấy, nhà tôi có hai con nhỏ, đứa ba tuổi, đứa mới chưa đầy 1 tuổi. Chồng đi công tác xã, chỉ có bố mẹ chồng ở nhà. Hai đứa nhỏ, hai người già, một mình tôi xoay xỏa. Nghe thông báo, tôi vội vã chạy về nhà, bảo mẹ chồng giúp sàng thêm ít gạo, bố chồng thì vội vã thu xếp chăn màn, soong nồi để mang theo. Tôi và mẹ chồng thay nhau bồng bế hai con nhỏ, bố chồng mang gạo, nồi soong, chăn màn, hòa vào nhóm người dân chạy lên núi, trốn vào hang.
Người dân Nam Tuấn không bị thảm sát, tránh được tai họa xóa sổ một cách may mắn. Bởi vì, chỉ sáng hôm sau, quân Tàu đã tràn vào Thông Nông, đánh vào Nặm Thong, cách Nam Tuấn chỉ vài cây số. Nhưng chúng không đánh vào Nam Tuấn, mà chạy thẳng ra Cao Bình (gần Thị xã Cao Bằng) bởi chúng có thông tin, sư đoàn quân đội nhân dân Việt Nam đóng ở Cao Bình. Chúng cậy mạnh, định ra Cao Bình đánh bộ đội trước. Nhưng chúng không hay biết, sư đoàn đã bí mật chuyển vào trong Nam Tuấn từ trước đó.
Bà Lý Thị Lợi cho biết: "Ngay sáng hôm đó, chúng tràn ra Cao Bình, chứ chúng rẽ vào Nam Tuấn, thì cả xã bị xóa sổ. Vì lúc ấy, người dân chưa kịp sơ tán".
Sau đó 3 ngày, quân Tàu đổ bộ lên Nam Tuấn đông lắm, chúng đi bộ thì quân xếp hàng kéo dài từ Kéo Roọc đến Pác Muổng (khoảng 5-6 km).
Một tháng trời trốn ở trong hang, bà Lý Thị Lợi bảo, nhiều đêm phải trốn về nhà để lấy thêm gạo. Nhà cửa tan hoang, chúng phá nát nhà cửa, ruộng vườn của người dân, ảnh Bác Hồ ở trên tường bị chúng giật xuống, xé toang. Trong mỗi lần trở về, gặp anh em, hàng xóm, nghe biết bao thông tin đau đớn.
"Trong một lần đánh chốt ở Nà Hoài, chốt của quân ta bị thất thủ. Nhưng phía hậu cần không biết thông tin. Đến bữa cơm, 3 nữ "anh nuôi" vẫn mang cơm lên chốt. Quân Tàu ùa ra, các cô ném lựu đạn nhưng chưa kịp rút chốt. Ba nữ "anh nuôi" bị bắn chết. Chúng còn độc ác đến mức, lấy cọc tre đâm vào chỗ kín của các cô, xẻo vú của các cô và vứt xác ra đường cái"- bà Lợi trầm giọng kể lại.
Bà Lý Thị Lợi: Ba nữ "anh nuôi" bị bắn chết. Chúng còn độc ác đến mức, lấy cọc tre đâm vào chỗ kín của các cô, xẻo vú của các cô và vứt xác ra đường cái |
Ông Hà Ngọc Triền nguyên Thượng tá công an về hưu thì không thể quên giai đoạn lịch sử ấy trong đời. Năm 1979, ông là đội trưởng đội an ninh, công an huyện Hà Quảng. Nhiệm vụ của đội là tìm bắt thám báo Trung Quốc.
"Hai quân đoàn của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng. Ban đầu, chúng mị dân là chỉ sang dạy cho quân đội Việt Nam một bài học, không đánh, giết dân. Nhưng chỉ vài ngày sau, bộ mặt thật của chúng đã bộc lộ. Chúng quyết tâm xóa sổ Cao Bằng nhưng gặp phải phản kháng mạnh mẽ trên đất Cao Bằng, chúng cay cú, phá hoại toàn bộ tài sản của dân, giết dân, đốt phá, cướp đoạt…"- ông Triền kể.
Cao Bằng, mảnh đất biên cương với những người dân lam lũ nhưng thủy chung với cách mạng những năm chống Pháp, lại một lần nữa đứng lên đánh quân xâm lược. Chỉ sau 3 ngày đặt chân vào Việt Nam, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn, bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chỉa (thuộc địa phận thị trấn Hòa Thuận, Phục Hòa, Cao Bằng) trong 12 ngày đêm, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc, diệt hơn 4.000 lính.
Bệnh viện huyện Trùng Khánh tan hoang trong cuộc chiến tháng 2/1979 (ảnh TTXVN) |
Ông Hoàng Văn Trọng, Nà Rị, Hà Quảng không thể quên được cái ngày, giặc Tàu bắn thẳng 3 phát đạn vào người mẹ đã ngoài 60 tuổi của mình. Nhà nghèo, chạy giặc càng không đủ ăn. Mẹ ông thương con cháu đói bất kể trời sáng cũng chạy ra tìm đồ ăn. Lúc ấy, bà còn tin lời chúng bảo sẽ phát lương thực và thuốc cho dân. Nhưng khi bà chạy ra thì chúng thẳng tay bắn ba phát đạn vào người. Đau xót, uất hận chưa bao giờ nguôi trong lòng ông Trọng suốt 40 năm qua.
Ông Trọng kể thêm, ở xóm ông, còn nhiều người chết, nhiều gia đình tan nát vì quân Tàu lắm. Có gia đình cả nhà chết đói vì trốn trong hang sâu không dám ra ngoài. Bản thân gia đình ông, có bà cô ruột cũng bị chết đói trong hang. Ông Trọng cũng kể, nhiều đoàn người chạy trốn, chẳng may gặp quân Tàu, bị tàn sát dã man. Ngoài cái chết của người mẹ, ông còn bị ám ảnh bởi hình ảnh hai mẹ con ở xóm dưới nhà ông, người mẹ còn địu con trên lưng, bị giặc bắn, hai mẹ con ngã ra đường. Nhưng đoàn quân giặc không hề chùn bước. Chúng thản nhiên dẫm lên xác hai mẹ con. 40 năm đã qua đi, những vết thương trên da thịt đã lành, những vùng đất nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất cũng đã hồi sinh. Nhưng những vết thương lòng vẫn chưa nguôi ngoai trong tâm trí những người dân ở miền biên viễn./.