Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc chiến 1979 và bức thư gửi 'Mẹ kính yêu' nhòe máu

Trước trận đánh, những người lính được phát bút ghi tên mình lên áo, phòng khi hy sinh đồng đội còn biết. Nhưng họ không viết tên mình mà ghi lên ngực: “Quyết tử cho Tổ quốc”.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2019/02/15/Cu___c_chi___n_1979_v___b___c_th___g___i__M____k__nh_y__u__nh__e_m__u___Th___i_s______ZING.VN.mp4[/presscloud]

Tham gia chiến đấu tại Hà Giang năm 1984, sự hy sinh anh dũng của đồng đội im sâu trong ký ức nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Gần 40 năm trước, Trương Quý Hải còn là một thanh niên Hà Nội. Cất giấy gọi đại học, anh nhập ngũ, cùng bao bạn bè đồng trang lứa đi bảo vệ biên cương. May mắn là một trong những người trở về, nhạc sĩ Trương Quý Hải day dứt mãi về sự hy sinh của đồng đội, những người gửi xương cốt ở lại đất biên cương.

Anh nói, sự hy sinh của đồng đội định hướng cuộc đời anh, khiến anh thấy mọi bon chen trong đời sống hôm nay đều quá đỗi tầm thường.

"Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử"

- Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc mà anh tham gia đã qua mấy chục năm; cũng ngần ấy thời gian sống trong hòa bình, ký ức về cuộc chiến còn lại những gì trong anh?

- Còn lại trong tôi là hình ảnh đồng đội và tình quân dân. Trước đó, chúng tôi vẫn được nghe cấp trên nói về tình quân dân như cá với nước, nhưng trong cuộc chiến, người lính mới cảm nhận được điều đó rõ ràng.

Khi tôi lên Hà Giang tham gia vào cuộc chiến, hình ảnh người dân là nguồn động lực lớn. Một thị xã trong tầm pháo của giặc, tiếng pháo vọng về từ chiến tuyến cách đó chỉ 20 km, nhưng người già, em bé rất bình thản, họ ra đón chào bộ đội, mang gạo, mang đồ ăn thức uống cho chúng tôi. Vì thế, lính Vị Xuyên đều coi Hà Giang là quê hương của mình.

Và nghĩa tình đồng đội là điều tôi mang theo mãi sau này. Tôi tới Hà Giang khi 20 tuổi, anh em sàn sàn lứa nhau, đó là quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ.

 Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát ca khúc Về đây đồng đội ơi tại nghĩa trang Vị Xuyên tháng 7/2016. Ảnh: Văn Duẩn

- Tư liệu viết về chiến tranh thường để lại những cú sốc cảm xúc về sự khốc liệt, tàn bạo, về những hy sinh mất mát lớn lao. Là người đi qua một cuộc chiến, sự thảm khốc lớn nhất trong ký ức của anh là gì?

- Với tôi, cuộc chiến thảm khốc không phải ở việc giao tranh, mà nằm ở hình ảnh đồng đội. Tất cả ký ức của tôi về cuộc chiến đều nghĩ tới đồng đội.

"Đồng đội tôi, nếu nói họ đã chiến đấu 'anh dũng' cũng không đúng, còn hơn thế rất nhiều, đó là tinh thần quyết tử"

Anh Đặng Việt Châu - chính trị viên đánh cao điểm 772 - phát bút cho anh em ghi tên mình lên ngực để nếu hy sinh mọi người còn biết tên tuổi quê quán mà gửi về. Nhưng nhiều anh em đã chuyền bút nhau không viết tên mình lên ngực áo, mà họ viết lên đó dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc”. Giờ đây lên nghĩa trang, ta thấy có nhiều liệt sĩ chưa được biết tên một phần vì thế.

Anh Nguyễn Viết Ninh đơn vị tôi viết dòng chữ trên báng súng: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Lúc anh bị thương lần thứ hai, anh em muốn đưa anh về nhưng anh không đồng ý. Đến lần thứ tư bị thương, anh hy sinh, trong tay vẫn ôm chặt khẩu súng.

Anh Lê Trần Mãn là một y tá. Nhưng khi anh em trên chốt hy sinh chỉ còn vài người, pháo địch lại nhiều, có nguy cơ quân địch tràn lên, anh Mãn đã gọi pháo địch nã vào mình, để chúng không chiếm được chốt. Anh Mãn đã hy sinh anh hùng như vậy.

Câu chuyện của lính là như thế, họ vẫn mộng mơ, tếu táo. Từ trận địa Thanh Thủy về Hà Giang cách 20 km, cuộc sống vẫn thanh bình. Thỉnh thoảng, chúng tôi từ trên chốt về thị xã uống cốc trà, cà phê nói chuyện bình thản, rồi trở lại chốt đánh giặc.

Hồi đó chúng tôi còn trẻ, vô lo, chưa có gia đình, sống gắn bó với nhau. Có lần tôi được nghỉ phép 15 ngày, nhưng về Hà Nội thấy nhớ đồng đội, nên trả phép sớm rồi quay lại đơn vị.

- Anh có thể nói rõ hơn về sứ mệnh của mình ở chiến địa biên cương những năm ấy?

- Tôi nhập ngũ tháng 9/1982. Lúc ấy vừa thi đỗ đại học, nhưng bạn bè mình vào bộ đội, nên tôi cũng cất giấy gọi đại học lại, bảo lưu và xin đi bộ đội.

Tôi vào sư đoàn 356, học sinh sinh viên Hà Nội đi đợt ấy khá đông. Tôi vào ga Yên Viên lên tàu hỏa mà không biết sẽ tới đâu, cứ thế đi, cuối cùng lên tới phố Lu, Lào Cai tháng 9/1982. Sau cuộc chiến 1979 vài năm, vết tích chiến tranh vẫn còn.

 Trên đường hành quân của chiến sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh tư liệu.

Tháng 4/1984, quân địch lại đánh Hà Giang. Chúng tôi được lệnh hành quân từ Lào Cai sang. Xe chạy đến Tuyên Quang, thấy người dân đứng hai bên đường ra vẫy chào quân, ném lên xe ôtô chuối, mía, bánh kẹo, thuốc lá… và vẫy tay: “Đi về nhé!”. Lúc ấy, chúng tôi mới cảm nhận không khí cuộc chiến.

Càng lên phía trên, không khí cuộc chiến càng rõ. Lúc ấy, chúng tôi biết rõ nhiệm vụ là hỗ trợ sư đoàn 313 đang chiến đấu.

Năm 1984, tôi trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Vị Xuyên. Lúc mới vào bộ đội, tôi ở đội tuyên văn sư đoàn. Khi vào chiến thì đội tuyên văn giải tán. Tôi đi vác đạn, hỗ trợ chăm sóc thương binh. Vác đạn vất vả nhưng tôi không nghĩ nhiều về việc đó. Khi chăm sóc thương binh, có những anh bị thương mười mấy phát đạn trên người, cưa chân cưa tay xong không một tiếng kêu rên.

Tôi còn làm công tác tử sĩ, chôn cất anh em. Tôi bế xác anh em từ trên xe xuống, tìm thông tin, bê những quan tài lên chôn cất.

"Những người ưu tú nhất, đẹp nhất đã hy sinh"

- Cuộc chiến năm ấy được định nghĩa như thế nào trong quãng đời đã sống của anh? Có bao giờ anh tự hỏi, nếu không đi qua cuộc chiến đó, không bê đỡ những tử sĩ, không tận mắt chứng kiến những đồng đội 20 tuổi hy sinh, cuộc sống của anh sẽ như thế nào...?

- Có lần tôi tìm trên người một đồng đội trạc tuổi đã hy sinh mà không có thông tin cá nhân. Trong túi áo anh có một tờ giấy vỏ bao thuốc lá Sapa. Tờ giấy thấm máu, bên trong có viết mấy chữ bằng bút mực. Mực xanh với máu đỏ nhòe sang nhau, nhòe 3 chữ: “Mẹ kính yêu”.

Tôi như lạnh sống lưng. Tôi nghĩ về mẹ của người đồng đội, cảm giác nghẹn ngào. Mẹ tôi còn có chút nào hy vọng tôi sẽ về; còn mẹ đồng đội thì vĩnh viễn không bao giờ gặp con nữa.

 Sự hy sinh của đồng đội in sâu trong ký ức nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Tôi gấp bức thư ấy bỏ vào túi. Đêm đó bên những nấm mộ mới đắp cho anh em, chẳng có giấy bút, chẳng có đàn để hát, tôi ngồi viết tiếp bức thư ấy bằng những câu hát của bài Thư về với mẹ, cho anh em dưới mộ nghe.

Khi ở Hoàng Liên Sơn tôi ở đội tuyên văn, nhưng không viết được bài hát nào có lời. Thư về với mẹ là bài đầu tiên của tôi. Nó như tín hiệu báo trước nghề nghiệp của tôi. Sau này ra quân tôi về học Mỏ Địa chất, nhưng loanh quanh thế nào lại đi theo sáng tác âm nhạc.

Nếu không tham chiến, tôi không biết mình sẽ ra sao. Tôi chỉ biết những sáng tác đầu tiên của tôi nảy ra từ nơi ấy, những sáng tác đó tôi chia sẻ với đồng đội, những người bạn lính. Họ là nguồn động lực để tôi cầm bút sáng tác, và tôi trở thành người như bây giờ.

- Những lần trở lại chiến trường xưa, anh có còn nhớ những nơi mình chôn cất đồng đội?

- Trước đây tôi chôn cất anh em ngay thị xã Hà Giang. Giờ tôi vẫn lên thăm những địa điểm trên đó.

Trên vùng chiến địa còn vài nghìn anh em chưa thể đưa hài cốt về được. Có nhiều lý do: điều kiện khách quan đất nước, mìn ở đó còn rất nhiều... Có những người đã chết rồi, mà pháo vẫn nã vào đêm ngày, họ hy sinh rất nhiều lần, nên việc tìm hài cốt rất khó. Hiện nay, có những nhóm tự phát, anh em tổ chức đi tìm hài cốt đồng đội.

Chúng tôi lấy ngày 12/7 (năm 1984), ngày mà sư đoàn chúng tôi hy sinh nhiều nhất, làm ngày giỗ trận. Trận ấy, có đến 600 đồng đội đã hy sinh. Có lần lên, chúng tôi không biết thắp hương chỗ nào, vì có đồng đội chết ở mỏm đá, người chết bên suối… Lúc ấy, chúng tôi đề xuất ý tưởng làm một đài hương để quy tụ anh em đã hy sinh. Tôi nghĩ những người lính có linh hồn, họ chết gửi lại linh hồn nơi gia đình, nơi những thằng lính còn lại như tôi.

Tôi viết bài Về đây đồng đội ơi, như là lời người sống nói với người hy sinh. Viết bài đó, tôi cảm giác linh của anh em nhập vào. Sau đó tôi viết bài Hát cho người còn sống, như lời người đã khuất gửi tới chiến hữu còn sống.

- Có câu nói của một danh nhân, đại ý, những người lính được nhận huân chương là người lính hạng nhì, họ may mắn được trở về. Những người tuyệt vời nhất, đẹp đẽ nhất đã nằm lại chiến trường. Anh và những đồng đội còn sống hôm nay nghĩ sao về quan điểm ấy?

- Không riêng tôi, tất cả anh em may mắn trở về đều chung suy nghĩ: Những người tuyệt vời, ưu tú, anh hùng nhất đã hy sinh. Họ chỉ có một danh hiệu duy nhất khiến chúng ta bon chen trong cuộc đời này đều thấy mình hèn kém vô cùng. Mãi mãi về sau, họ chỉ có một danh hiệu cao quý nhất: người chiến sĩ.

"Sự hy sinh của người chiến sĩ định hướng cuộc đời tôi, khiến tôi thấy mọi bon chen trong đời này đều tầm thường"

Trở về cuộc sống bình thường, có lúc mình quên, sơ sẩy cái này, sai sót thế kia, tội lỗi thế nọ. Nhưng chính họ, hơn cả mọi cấp chính ủy, họ cứ hồn nhiên tếu táo, vô tư sống trong ký ức của người trở về; những sự hy sinh của họ khiến chúng tôi thấy mọi chuyện bon chen trong đời sống đều thật tầm thường.

- Sau gần 40 năm, câu chuyện nào của đồng đội đeo đuổi, ám ảnh anh nhiều nhất?

- Có, một người bạn của tôi, cậu ấy tên là Toàn. Cậu ấy đẹp trai lắm, đàn hay, hát giỏi. Đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm thấy hài cốt của cậu ấy. Cậu hy sinh trong một trận pháo kích của địch. Tôi đi tìm nhiều nơi, hỏi nhiều người, chỉ nghe kể cậu ấy đã bị thương ở đùi, người ta đã cưa đùi và băng bó vết thương, nhưng có lẽ cậu ấy đã hy sinh vì mất quá nhiều máu.

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm thấy cậu ấy. Có lẽ, cậu đang nằm giữa bao nhiêu liệt sĩ không có tên ở biên cương...

Sau hàng chục năm, những người bạn của tôi, đồng đội của tôi, thân xác vẫn rải rác ở biên cương đất nước, có người vẫn vô danh, không tên tuổi, không quê quán.

.... Xác hóa thành đất đá biên cương/Dâng linh hồn cho khúc hát quê hương...

Ảnh, Video: Hoàng Hiệp