Nhớ chuyện Tổng bí thư Trường Chinh bán đồng hồ mua gạo ăn Tết
- 10:46 10-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Hà Thị Quế, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1974-1980), là hậu duệ của Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Vốn là một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, được chú họ dạy dỗ về kiến thức cũng như về lòng yêu nước nên bà sớm tham gia hoạt động cách mạng.
Từ quê hương Nho Quan (Ninh Bình), năm 1941, bà được Trung ương điều về Thái Bình tham gia Ban cán sự Ðảng bộ tỉnh, phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải, đồng thời củng cố phong trào cả tỉnh Nam Ðịnh, đây là những nơi phong trào cách mạng đang bị khủng bố nặng nề.
Bà Hà Thị Quế |
Với sự năng nổ, bà đã góp phần khôi phục và phát triển phong trào. Nhằm phát huy kinh nghiệm và năng lực tổ chức của bà, mùa hè năm 1943, Trung ương điều nữ cán bộ cách mạng Hà Thị Quế lên Bắc Giang, cùng các cán bộ khác xây dựng An toàn khu 2.
Mới 24 tuổi nhưng hoạt động của bà khiến cho chính quyền thực dân ở Bắc Giang hết sức lo sợ, gọi bà là "Tướng Việt Minh đàn bà". Tại đây, bà được làm việc với các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Trần Đăng Ninh…
Trong hồi ký “Những kỷ niệm không thể nào quên” bà đã kể lại chuyện đón Tết Giáp Tuất 1944 với Tổng bí thư Trường Chinh:
Cuối năm 1943, năm hết, Tết đến, anh chị em thoát ly đều băn khoăn. Vì theo phong tục cổ truyền, dù nghèo mấy, tết nhất mọi người đều phải trở về sum họp với gia đình. Song những cán bộ chuyên nghiệp lại chẳng biết về đâu.
Thông cảm nỗi băn khoăn của các đồng chí, anh Trường Chinh đề xuất sáng kiến: mấy ngày Tết sẽ mở lớp huấn luyện tập hợp các đồng chí vừa có nơi ẩn náu trong 3 ngày Tết, vừa có chỗ đoàn tụ để trau dồi kiến thức, vừa có dịp trao đổi kinh nghiệm công tác, nên ai cũng hân hoan.
Tổng bí thư Trường Chinh chúc Tết bộ đội Trường Sơn, Xuân Giáp Dần 1974. Ảnh: TTXVN |
Lớp huấn luyện có 6 người. Anh Trường Chinh làm giảng viên. Lớp huấn luyện mở tại nhà một ông bà già không có con. Nhà có ba gian bé nhỏ, nam giới thì trải ổ rơm nằm dưới đất, còn phụ nữ thì trải đệm rạ nằm trên giường.
Nhà ông cụ nghèo quá không có gạo đãi khách, anh Trường Chinh phải tháo chiếc đồng hồ - tài sản duy nhất, nhờ một ông giáo ở xã đem đi bán để có tiền mua gạo.
Không ngờ sau khi ông cụ mua được bao gạo lớn vác về, giữa đường tên nhà giàu chủ nợ bắt gặp, nó giật lấy bao gạo để xiết nợ, ông cụ mếu máo trở về tay không.
Trước tình cảnh đó, anh Hoàng Quốc Việt phải cởi cái áo the anh đang mặc và lột chiếc khăn xếp anh đang đội trên đầu đem bán, để cung cấp lương thực cho lớp huấn luyện sẽ khai mạc vào tối 30.
Mọi người trù tính số gạo ấy, chỉ được ăn mỗi ngày một bữa cơm, một bữa cháo mới đủ đến hết ngày mùng 4 Tết, bế mạc lớp huấn luyện, rồi mỗi người lại về địa bàn hoạt động.
Trong mấy ngày Tết, bà cụ chủ nhà cứ sáng sáng lại ra đồng hái về một rổ rau lang đầy, luộc chấm muối cho mọi người đỡ đói lòng. Tuy cuộc sống thiếu thốn, song nghĩ đến sự nghiệp cách mạng đang phát triển, nên lòng ai cũng vui.
Để gây không khí phấn khởi, sôi nổi, anh Trường Chinh khởi xướng ra việc làm câu đốì và làm thơ đón Xuân. Và anh xung phong đọc trước một đôi câu đối:
Xuân sắc, xuân sầu, xuân xúng xính
Tết tình, tết tỉnh, tết tung tăng...
Mọi người vui vẻ đề nghị anh Trường Chinh phân tích ý nghĩa đôi câu đối anh vừa đọc xong. Anh cười giải thích:
Xuân sắc là Xuân về hoa cỏ phô màu sắc.
Xuân sầu là không có gạo, cả nhà phải ăn cháo và rau lang trừ cơm.
Xuân xúng xính là Xuân về bà con mặc quần áo đẹp tung tăng đi chơi Tết.
Tết tình là lòng mọi người chan hòa tình cảm cách mạng.
Tết tỉnh là phải tỉnh táo để đón đợi thời cơ.
Tết tung tăng là nhiều người vui vẻ, tấp nập đi chơi Xuân.
Anh động viên mọi người tiếp tục làm thơ. Tất cả nhìn nhau và đùn đẩy. Cuối cùng một đồng chí hưởng ứng:
Tết về hoa nở Xuân thêm sắc,
Người người thêm tuổi, sắc thêm xuân.
Tuy hai câu thơ chẳng ăn nhập với tình cảnh, song có dịp để mọi người bàn tán xôn xao, làm cho cái tết tha hương của những người chiến sĩ cách mạng trong xóm nghèo, cũng thêm phần ấm cúng.