Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Pháp cũng muốn gia nhập 'câu lạc bộ vũ khí siêu thanh'?

Pháp đang có kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh đạt tốc độ lên tới 6.000km/giờ, tức Mach 5, vào năm 2021, tờ National Interest cho hay.

 Ảnh minh họa.

Theo tạp chí trên, Pháp đang triển khai dự án có tên V-Max với mục đích phát triển đơn vị chiến đấu siêu thanh mà theo thiết kế có khả năng đạt tốc độ lên tới 6.000km/giờ.

“Nhiều nước đã có được vũ khí siêu thanh. Chúng ta có bí quyết để phát triển các loại vũ khí đó. Chúng ta không thể chờ thêm nữa”, National Interest dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói.

Theo tờ tạp chí trên, dự án V-Max của Pháp do Tập đoàn Ariane - liên danh giữa các công ty Airbus và Safran - đảm nhận -việc phát triển.

Cơ sở cho vũ khí mới sẽ là tên lửa hành trình siêu thanh triển vọng của hệ thống không đối không ASN4G.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tên lửa được phát triển theo dự án V-Max dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.

National Interest nhấn mạnh rằng tổ hợp vũ khí mới sẽ cho phép Pháp tham gia cái gọi là “câu lạc bộ siêu thanh”.

Hiện nay, một số nước trên thế giới, trong đó đáng chú ý là Nga, Mỹ và Trung Quốc, đã sở hữu hoặc đang phát triển các vũ khí siêu thanh.

Ví dụ, hệ thống tên lửa Avangard của Nga được cho là đang dẫn đầu về vận tốc khi đạt tốc độ Mach 27, khiến Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đây là tổ hợp tên lửa mà hệ thống phòng không của Mỹ “không thể ngăn chặn được”.

Cơ quan nghiên cứu tên lửa DARPA của Mỹ hiện cũng đã phóng thử các tổ hợp tên lửa đạt tốc độ hơn Mach 20 và đang tìm cách tăng tốc cho các vũ khí này.

Tuy nhiên, Pháp có thể là nước châu Âu đầu tiên phát triển vũ khí siêu thanh của riêng mình. Nỗ lực này dường như được thực hiện nhằm phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược của Pháp.

Trong tuần này, trong một cuộc tập trận nhằm thể hiện năng lực phòng thủ của mình, Pháp cũng đã phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.

Những động thái này dấy lên lo ngại cho rằng châu Âu có thể trở thành địa điểm cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ.