Vẻ giản dị nhưng kiêu sa của đào quê xứ Nghệ
- 15:30 07-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cành đào ngày Tết đã gắn với phong tục ngàn đời của người dân miền Bắc, giống như cây mai với đồng bào miền Nam. Giàu hay nghèo, ngày Tết người ta cũng sắm cành đào để cắm trong nhà. Từ bé, tôi đã thấy cha khi soạn sửa ban thờ đã giành riêng chỗ để cắm cành đào.
Đào quê, người ta chỉ chặt cái cành, to thì bằng ngón chân cái, đốt chỗ cắt rồi cắm vô chai, lọ đã được đổ nước… chứ ai lại đào cả gộc, chặt cả cành to đùng như sau này!
Đào quê mộc mạc nở hoa bên hông nhà. Ảnh: Vũ Quang |
Dăm ba năm trở lại đây, ở Nghệ An lại rộ lên “thương hiệu” mới: Đào Lào, đào Kỳ Sơn. Đó là loại đào hoang dã, cành mốc trắng. Người ta đưa lên xe tải những cành đào rất to, thoạt nhìn như những cây củi khô, rềnh ràng! Ban đầu chúng tôi chưa cảm nhận được cái đẹp, cho rằng giới nhiều tiền chơi ngông! Bây giờ nó trở thành mốt của các đại gia. Có những cành ba bốn người khiêng mới nổi, trị giá hàng chục triệu đồng.
“Tít mù vòng quay”, đào quê - đào phai lại lên ngôi! Có lẽ nó lên ngôi đầu tiên nhờ giá rẻ. Nhà quê bán cành đào - dù to đến mấy mà được 2-3 triệu là mừng rỡ! Nó lên ngôi vì hoa nó rất đẹp, phớt dần từ màu trắng sang hồng, rồi tím, đỏ sẫm... càng ngắm kỹ càng đẹp.
Cái đẹp của đào phai giản dị, quê mùa mà kiêu sa, nõn nà. Đã có những cành đào quê loại bự giá vài ba chục triệu đồng. Đáng mừng là đã có những đại gia nhăm nhắm những cây đào phai ở quê, trả giá khá hậu hĩnh.
Mấy năm nay, chợ hoa Tết kéo dài cả tháng. Đào, quất, trạng nguyên, hoa lụa, cây cảnh... ngập tràn trung tâm các huyện.
Như một thông lệ, năm nào tại góc chợ cũng có một nhóm "bình dân" hồn nhiên bán, hồn nhiên mua. Đó là những cành đào "giao lóng", mọc thẳng, màu nâu vàng, pha xanh, búp này cách búp kia có đến cả ngón tay... Nó là đào thật, nhưng đó là những cây đào "trong dợp" phải vươn ra ánh sáng. Không uốn éo theo các thế như ngũ phúc, trực đổ, bạt phong, tam đa, long giáng, phụ tử,… gì cả. Nếu là thế thì có lẽ phải gọi là “thế roi cày”? Bù lại, sự mua bán lại thật chân quê, ấm áp.
Đào quê cũng chân chất như người quê. Ảnh: Vũ Quang |
Người bán có khi chỉ có một, hai cành đào, họ ra giá 30.000-50.000 đồng một cành. Người mua mặc cả, cũng chỉ bớt dăm ba nghìn... Rồi họ cũng thỏa thuận được với nhau. Những đồng tiền lẻ nhàu nát được người mua vuốt thẳng, đếm, gấp lại thành từng chục nghìn. Người bán nhận tiền, kiểm đếm cẩn thận…
Cuối buổi gọn cả! Người bán giúp người mua cột cành đào cẩn thận lên xe đạp cho khỏi vướng. Họ chào, chúc Tết nhau vui vẻ, thật lòng. Người bán cảm ơn người mua. Người mua cảm ơn người bán trong chiều tất niên hối hả của đô thị!
Những cánh hoa mộc mạc nở bung làm cho Tết đủ phong vị. Ảnh: Vũ Quang |