BLV Quang Huy: Làm bóng đá phải có chân đế tập hợp được sức mạnh toàn xã hội
- 15:24 06-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 không chỉ mang đến niềm vui cho người hâm mộ mà còn đem lại nhiều bài học cho những người làm quản lý, hoạch định chính sách phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. BLV Quang Huy chia sẻ một số quan điểm với VTC News xung quanh chủ đề này.
- HLV Park Hang Seo nói bóng đá Việt Nam cần có kế hoạch dài hơi (10 năm) để hướng tới World Cup, thay vì cứ trông mong vào một thế hệ cầu thủ. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
Tôi tán thành với quan điểm này. Khi mọi thứ đang tốt, chúng ta hãy cứ mơ mộng. Vinh quang hôm nay không chỉ là thành quả, mà còn là biểu tượng để người ta nhìn vào và noi theo. Lứa cầu thủ này là điểm sáng để những thế hệ kế cận, thậm chí các em mới biết đến quả bóng, mới ba, bốn tuổi có thể nhìn vào Quang Hải, Xuân Trường,... để noi theo. Được như thế, chúng ta sẽ có đầu vào rất tốt.
Trước đây, nhiều gia đình có con có năng khiếu bóng đá, phụ huynh cũng không ưu tiên cho con theo nghiệp trái bóng tròn, song đã có những biểu tượng ngời ngời như vậy rồi, tư tưởng có thể cũng cởi mở hơn, đó là cú hích rất tốt.
Như HAGL cũng đào tạo lứa Công Phượng, Tuấn Anh từ 10, 11 tuổi, nhưng ở Việt Nam, đội bóng nào cũng cần có một trung tâm đào tạo như thế. Ở V-League bây giờ không có nhiều lò đào tạo quy mô, bài bản như vậy. Chúng ta phải làm rộng khắp để tạo chân đế vững chắc cho nền bóng đá.
V-League cần nhiều đội tập trung đào tạo trẻ như Hà Nội, HAGL. |
Khi có nhiều lò đào tạo, nhiều đội trẻ, chúng ta mới tăng được tính cọ xát ở giải trẻ hơn. Sự phát triển của các lò đào tạo sẽ tạo động lực cho nhau phát triển, tạo lực đẩy cho cả nền bóng đá. Sự khốc liệt trong khâu đào tạo giúp chúng ta chọn lọc kỹ càng hơn. Chân đế vững, đỉnh cao sẽ bền.
Ngoài ra, việc đào tạo bóng đá cộng đồng cũng cần được đẩy mạnh. Chất lượng bóng đá cộng đồng tốt, nhà tuyển chọn sẽ có thêm "giống tốt" để lựa chọn. Những trung tâm bóng đá cộng đồng cần được phát triển.
Dẫu vậy, các đô thị lớn vẫn thiếu sân bãi để trẻ em chơi bóng. Nếu không có tài năng kiệt xuất để vào các trung tâm đào tạo, các em cũng phải có tiền mới vào được sân chơi bóng.
Đô thị lớn thiếu nhiều khoảng đất cho trẻ em đá bóng, vì chung cư cao tầng đã chiếm hết rồi, cái đấy rất khó cho bóng đá cộng đồng có thể nhân rộng. Không dễ kiếm trẻ em đá bóng ở đô thị lớn, ví dụ như kiếm cầu thủ đá bóng ở phố cổ là gần như không có, mà chỉ có ở các vùng ven thôi.
- Sự chung tay của xã hội là điều cần thiết nhất vào lúc này với bóng đá Việt Nam?
Bóng đá muốn phát triển cần có sức mạnh tổng lực của xã hội, trong đó có người hâm mộ. Đôi khi khán giả thường đòi hỏi quá mức, khó tính, gây áp lực cho cầu thủ. HLV Park Hang Seo phải có nhiều biện pháp để giảm áp lực của người hâm mộ lên cầu thủ. Điều dễ thấy nhất là chúng ta không có nhiều giải đấu mới hoành tráng trước khi đá giải lớn. Ngày xưa cứ trước giải, tuyển Việt Nam lại đá tưng bừng kèn trống ở các giải giao hữu.
Giao hữu dở thì khán giả lo lắng, chê trách, giao hữu hay thì có khi điểm rơi phong độ cầu thủ lại nằm ở đây cả rồi, nên với ông Park, cứ âm thầm mà tập luyện, giao hữu, tập kín đá kín, gây bất ngờ cho cả đối thủ và người xem.
Bản thân mình là người làm nghề, muốn theo dõi tường tận những phương án chiến thuật của đội tuyển mà giờ khó khăn hơn trước, nhưng cũng mừng vì như thế giảm được áp lực cho cầu thủ.
Tuyển Việt Nam tập kín, giao hữu kín và bí mật thông tin hơn trước. |
- Trong năm 2019, U22 Việt Nam bước vào chiến dịch vòng loại U23 châu Á và SEA Games, tuyển Việt Nam có vòng loại World Cup. Đâu là trọng tâm của chúng ta?
Trên khía cạnh CLB, tôi muốn Hà Nội đá tốt ở đấu trường châu Á. Đội chủ sân Hàng Đẫy hiện nay có binh hùng tướng mạnh, tập hợp những cầu thủ rất tốt, rất giỏi thì phải đá tốt ở sân chơi châu lục. Bóng đá Việt Nam đã chứng minh được ở sân chơi cấp ĐTQG, thì sân chơi CLB cũng nên làm được điều tương tự. Đầu tư tốt, chúng ta đủ khả năng chơi được.
U23 Việt Nam cần chơi tốt ở vòng loại U23 châu Á, còn SEA Games vẫn là giấc mơ mòn mỏi. Việt Nam chưa từng vô địch SEA Games từ sau năm 1975.
Vòng loại World Cup, tuyển Việt Nam nên có sự đầu tư. HLV Park Hang Seo cảm thấy mệt mỏi, áp lực, nhưng ông vẫn nên kiêm nhiệm cả ĐTQG và U23 Việt Nam.
Giải U22 Đông Nam Á để HLV Nguyễn Quốc Tuấn làm là được, song vòng loại U23 châu Á cần có thầy Park dẫn dắt. Ông có trong tay nhiều cầu thủ quen thuộc như Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh, Trọng Đại,... để hoàn thành mục tiêu. Đó đều là những cầu thủ đi U20 World Cup và đã chứng tỏ được khả năng.
Nhiều giải lớn liên tiếp, áp lực dồn lên cầu thủ nhiều. Hy vọng các cấp độ đội tuyển sẽ có sự san sẻ, dồn sức hợp lý để chúng ta hiện thực hoá được các mục tiêu.
"Trên cương vị của mình, cùng với BCH, cùng đội ngũ chuyên môn ở VFF, chúng tôi sẽ bàn bạc, tìm ra giải pháp, phương hướng cụ thể để hỗ trợ và khuyến khích các trung tâm đào tạo bóng đá, các đội bóng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo trẻ; tiếp tục mở thêm các lớp nâng cao trình độ cho các HLV trong công tác đào tạo trẻ; đẩy mạnh việc tổ chức các giải trẻ quốc gia theo phương thức xã hội hóa, qua đó phát hiện và bổ sung lực lượng VĐV cho các đội tuyển trẻ. Đề xuất Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) hỗ trợ các chương trình, mục tiêu cho công tác đào tạo bóng đá nữ và bóng đá trẻ.
Mặt khác, tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các câu lạc bộ phát triển mạnh hơn; kết hợp giữa đầu tư nhà nước và đầu tư doanh nghiệp để cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ thi đấu bóng đá đỉnh cao, khuyến khích các tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đào tạo và cung cấp cầu thủ bóng đá cho các câu lạc bộ giống như mô hình của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (PVF)... Cá nhân tôi đánh giá VFF nhiệm kỳ qua đã làm được rất nhiều việc. Nếu VFF không ban hành những quy định mang tính chất định hướng, buộc các câu lạc bộ phải đầu tư các tuyến trẻ, đồng thời yêu cầu mỗi câu lạc bộ chuyên nghiệp phải tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ vào sân thi đấu ở V-League thì công tác đào tạo trẻ khó có thể phát huy tốt như hiện tại", Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải nêu quan điểm. |