Từ câu hỏi đầy trăn trở của Thủ tướng
- 13:14 06-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi rất chia sẻ về một câu hỏi đầy trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong cuộc làm việc với một bộ cuối năm 2018, Thủ tướng đặt vấn đề: “Luật pháp và chính sách của ta thế nào mà để khởi nghiệp của ta phải chạy sang Singapore để mở doanh nghiệp kinh doanh, đây là việc mà các bộ, ngành phải suy nghĩ”.
Trong một hội thảo VCCI tổ chức ngay trước đó, một nhà khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ với giọng chua chát kể về những rào cản kinh doanh, những loại giấy phép con mà anh trải qua. Anh cho biết, vẫn chưa thể có hết giấy phép vì không thể đáp ứng nổi các điều kiện, rồi ngậm ngùi nói: “Chắc tôi phải sang Singapore để thành lập doanh nghiệp”.
Những câu hỏi giống nhau và đầy trăn trở của Thủ tướng và vị doanh nhân trẻ phải được trả lời một cách thẳng thắn. Mặc dù nhiều chính sách đã có những chuyển động tích cực, thể hiện những nỗ lực vượt bậc của cơ quan quản lý nhà nước trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng còn vô số chính sách hiện tại cũng như tư duy quản lý nặng nề đang đè nén tinh thần kinh doanh của người dân, nhất là những phương thức kinh doanh mới.
Tư duy quản lý xơ cứng
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Việt Nam cũng đang cố gắng theo kịp. Có một điều chắc chắn rằng, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn cảnh “cá lớn nuốt cá bé” như các kỷ nguyên trước mà là “Con cá bơi nhanh sẽ xơi con bơi chậm”.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối diện với làn sóng phát triển công nghệ, trong đó sẽ xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, rất khác với phương thức truyền thống đang diễn ra.
Chúng ta đã chứng kiến những phương thức kinh doanh này bắt đầu xâm lấn vào nền kinh tế như kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch; các dịch vụ cung cấp nghe nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình trên internet; dịch vụ quảng cáo thông qua các mạng xã hội… Chính điều này, khiến chúng ta nhìn lại các chính sách quản lý hiện tại và quan sát cách hành xử của cơ quan quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới này.
Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng.
Nó có thể là động lực để thúc đẩy, cũng có thể là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh, cả phương thức cũ lẫn mới, phát triển. Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp, và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế.
Rõ ràng, chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng gập ghềnh trong tư duy quản lý của các bộ ngành.
Sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Có tình trạng mỗi bộ, ngành một luật. Theo luật của bà bộ trưởng này thì đúng, chiểu theo luật của ông bộ trưởng khác thì sai. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhiều khi phải “chết đứng như Từ Hải” vì những chính sách phân mảnh đó.
Còn rất nhiều thách thức
Trong năm qua, hơn 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ, thể hiện nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với từng bộ, địa phương để giám sát cũng như thúc đẩy các hoạt động cải cách, thực thi chính sách.
Những nỗ lực này đã giúp tiếp tục giải phóng doanh nghiệp khỏi hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh.
Song, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều điều băn khoăn: liệu chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động này có thực chất?
Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy, mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khá cao, trên 50%, nhưng vẫn còn không ít tính hình thức, đối phó. Nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ; nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ.
Nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động rà soát còn bị động, phụ thuộc nhiều vào sự thiện chí của các cơ quan chủ trì soạn thảo. Chính vì vậy nhiều điều chỉnh, sửa đổi về điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng kinh doanh.
Trong những văn bản được ban hành trong năm 2018 vẫn có rất nhiều quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách, thiếu minh bạch, thời gian thủ tục kéo dài,...
Việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành, Nhà nước vẫn giữ độc quyền kiểm tra đối với một số loại sản phẩm hàng hóa – mà có thể trao quyền cho tư nhân thực hiện được,…
Trong bối cảnh đó, tôi muốn nhắc tới những hộ kinh doanh cá thể, khu vực đang nắm giữ hơn 30% GDP của đất nước. Con số đó, một mặt cho thấy sức sống năng động, mới nổi của nền kinh tế, nhưng mặt khác cho thấy, nền kinh tế chúng ta rất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết.
Bên cạnh đó, dù đã được công nhận chính thức qua Hiến pháp và pháp luật, khu vực doanh nghiệp tư nhân chính danh chỉ góp khoảng 8-9% GDP mỗi năm trong hơn hai thập kỷ qua và vẫn không lớn nổi.
Bài toán đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp tư nhân lớn lên được, hàng triệu người kinh doanh nhỏ lẻ tiếp tục có niềm tin, có khát vọng để vươn lên khỏi khu vực không chính thức.
Tôi cho rằng, phía nhà nước giữ vai trò quyết định trong lời giải bài toán đó. Nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, cải cách chế độ kế toán và chính sách thuế đối với khu vực này, khuyến khích họ đăng ký theo mô hình doanh nghiệp.
Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân cần dứt khoát thoát khỏi tinh thần ưu đãi, hỗ trợ, xin-cho để tiến thẳng vào giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là "vùng cấm" với người Việt, là kinh doanh vận tải đường sông. Các hãng tàu biển nổi tiếng của người Pháp và người Hoa đã liên minh với nhau, để "bóp chết" tàu Bưởi.
Đứng bên bờ vực phá sản, Cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có được trên đất nước Việt Nam: đó là tinh thần dân tộc. Ông cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao đồng bào mình lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, “Tàu Bưởi” đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi…
Chúng ta đã từng có “tàu Bưởi” và bây giờ chúng ta hy vọng “ô tô Vượng” sẽ chiến thắng… Chúng ta tin doanh nghiệp, doanh nhân Việt không thua kém. VinFast và nhiều thương hiệu Việt khác đang đi con đường của Tinh thần Việt và công nghệ 4.0. Và chúng ta hy vọng “Chương trình Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” – “Việt Nam Excellence” sẽ là bệ đỡ cho sự bay lên của các thương hiệu Việt.
Liệu chúng ta có dám nghĩ đến, dám mơ nhiều hơn về các tỷ phú đô la, về khát vọng có được những Bill Gate, Mack Zuckerberg, Jeff Bezos,… của Việt Nam?
Nếu chúng ta có, chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà Thủ tướng và vị doanh nhân trẻ nọ đã nêu. Còn không, đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa vời.
Tác giả: Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Nguồn tin: Báo VietNamNet