Tục lệ 'Mùng 3 Tết thầy' ở Việt Nam có nguồn gốc thế nào?
- 09:03 06-02-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Tết thầy" trong ngày mùng 3
Mỗi khi đến Tết, câu nói "Mùng 1 tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Qua đó, nhắc nhở mọi người về trình tự những lễ nghi cần thực hiện đúng và đủ trong 3 ngày Tết, đồng thời gợi nhớ truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta.
Không những thế, Tết là dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm. Trong chính thời khắc đó, người ta thường nhớ đến 3 người có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời mỗi con người, đó là người cha, người mẹ và người thầy.
Trong ngày mùng 3 Tết, người Việt, nhất là giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy, cô giáo. Đây không chỉ là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô, mà còn là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chúc mừng nhau trong dịp Tết đến, xuân về.
Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" đã thấm nhuần và tư tưởng đạo lý của người Việt. (Ảnh: Thể thao văn hóa) |
Tục ngữ Việt nam có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" nghĩa là "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy." Những đạo lý ấy ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt, qua đó có cơ hội bày tỏ sự hiếu nghĩa với những người thầy, người cô của mình.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hiển, sở dĩ không lễ Tết thầy ngày mùng1 và mùng 2 vì cha mẹ là những đấng sinh thành, nuôi dưỡng và dạy bảo chúng ta từ khi chào đời cho đến khi trưởng thành. Do vậy, theo quan niệm của ông cha ta, hai ngày quan trọng nhất năm phải giành cho cha, mẹ, thể hiện lòng hiếu thảo. Đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta từ thời xưa.
Người Việt vẫn thường nhắc nhau "Không thầy đố mày làm nên" để nói về công lao dạy dỗ của thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Vì vậy sau hai ngày đầu năm, mọi người sẽ cùng nhau đến thăm những người thầy, người cô để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với họ.
"Tết thầy" xưa và nay
Trong thời đại ngày nay, mỗi khi đến Tết thì cách thức bày tỏ tình cảm cũng đã khác xưa nhiều. Có những người vì hoàn cảnh cá nhân không thể trực tiếp đi Tết thầy cô. Thế nhưng, họ không quên gửi lời hỏi thăm, chúc sức khoẻ, bình an trong năm mới.
Mùng 3 bây giờ và sau này, vẫn luôn là ngày của những người thầy giáo hết lòng với học trò. Đó vẫn sẽ là ngày học trò thể hiện sự lễ nghĩa và cái đạo trong lòng mỗi người.
Trong tâm thức người Việt, Tết là sự sum vầy, là nghĩa tình và hướng về cội nguồn. Và câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" chính là nói đến truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc ta.
Phong tục "Mùng 3 tết Thầy" là một trong những nét đẹp truyền thống cần phải được gìn giữ và phát huy. Với người Việt Nam, trong hoàn cảnh nào thì việc nhớ về thầy cô giáo trong những Tết là điều không thể thiếu.
Nhiều người cho rằng, "Tết thầy" cốt ở tấm lòng. Khi đi tết thầy, người ta có thể đơn giản chỉ dùng đến những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại đầy tôn kính hay đến thăm thầy, chúc tết thầy với một tình cảm chân thành, những món quà như hộp mứt Tết hay câu đối đỏ cũng đủ khiến thầy cô giáo tự hào hãnh diện.