Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tết tràn ngập đường phố, ngôi nhà của nữ sinh không có bố vẫn lạnh lẽo buồn hiu

Sinh ra không có bố, mẹ tàn tật chỉ loanh quanh trong nhà, bà ngoại già yếu nằm một chỗ,… tất cả gánh nặng mưu sinh đang gánh lên đôi vai gầy bé nhỏ của cô nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2019/02/05/T___t_tr__n_ng___p________ng_ph_____ng__i_nh___c___a_n____sinh_kh__ng_c___b____v___n_l___nh_l___o_bu___n_hiu.mp4[/presscloud]

“Em không cần bố…”

Trong khi người người nô nức sắm sửa Tết, thì tại ngôi nhà của em Nguyễn Thị Thảo (SN 2002), trú xóm 14, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn lạnh lẽo như ngày thường. Không có đào trang trí, không có bánh trái trên bàn thờ, ở dưới bếp phập phùng ngọn lửa ấm áp, thế nhưng chỉ là nấu nồi… nước sôi.

Thảo đang ngồi bên góc học tập nhỏ của em để ôn bài, thỉnh thoảng ngoái lại trò chuyện với người mẹ Nguyễn Thị Phú (SN 1980) đang tất tả nhóm lò, lau chùi bát đũa. Thấy khách lạ, 2 mẹ con dừng tay ngượng ngùng mời bát chè xanh.

Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ của 3 người phụ nữ. 

Chị Phú là người con út trong gia đình có 5 anh chị em. Tuy nhiên, từ khi lọt lòng mẹ thì chị đã là người tàn tật với với đôi chân cà kheo di chuyển bằng đầu gối, không có cánh tay trái, còn tay phải thì cầm nắm vô cùng khó khăn.

“Tôi cũng biết vì sao mình bị như thế này nữa. Gia đình nghèo, lại đông con nên bố mẹ không đưa tôi đi chữa ở đâu cả. Tôi cũng không được đi học, ở nhà được anh chị chỉ dạy nên chỉ biết viết tên của mình”, chị nói.

Chị Phú sinh ra bẩm sinh tàn tật. 

Các anh chị dần khôn lớn và bắt đầu đi làm ăn xa nhà, một mình chị ở với bố mẹ. Dị tật từ nhỏ, chị chỉ loanh quanh trong nhà làm những công việc nhẹ như: quét nhà, nấu cơm,… còn việc đồng áng nặng nhọc chị không thể làm được. Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi năm 2005 người bố của chị Phú qua đời, còn mẹ thì càng lúc càng già yếu chỉ nằm một chỗ.

Thấy ánh mắt ngạc nhiên dừng ở phía con gái của những vị khách, chị Phú giải thích đơn giản: “Dù khuyết tật nhưng tôi vẫn muốn làm mẹ, nên xin một người đàn ông trong xã…”. Em Thảo sinh ra như vậy, không biết cha mình là ai, dù nhiều lần gặng hỏi nhưng chị Phú nhất quyết không trả lời. Lớn hơn một vài tuổi, biết được nỗi khổ của mẹ, từ đó Thảo không bao giờ hỏi nữa, chấp nhận việc mình là người không có bố.

“Em không cần bố, em chỉ muốn mẹ mạnh khỏe thôi”, Thảo lí nhí trả lời. Mặc dù mẹ khuyết tật, thế nhưng Thảo may mắn hoàn toàn bình thường. Hiện nay em đã trở thành nữ sinh lớp 11, càng lớn càng xinh xắn. Thế nhưng Thảo lại có đôi mắt vô cùng buồn, không có sự hồn nhiên vô tư như bạn bè cùng trang lứa. Bởi em biết hoàn cảnh của mình vô cùng đặc biệt.

Chị Phú chỉ có thể quanh quẩn trong nhà, không làm được việc nặng nhọc. 

Bánh chưng năm có năm không…

Cuộc sống hằng ngày của gia đình phụ thuộc vào mấy trăm tiền phụ cấp. Sau khi đi học về, Thảo lập tức lao vào bếp nấu cơm cho mẹ và bà. Ăn trưa xong, những ngày không phải đi học thêm thì Thảo vẫn thường hay đi cuốc cỏ mía, sắn thuê cho người dân trong xã. Thương cô học trò nghèo, mọi người cũng hay giúp đỡ dù chẳng được là bao.

“Mấy mẹ con ăn cũng không nhiều, rau dưa qua ngày. Học phí của Thảo cũng được nhà trường miễn giảm, chỉ có điều không được mua quần áo mới. Thương con cũng để trong lòng chứ không biết phải làm sao”, chị Phú thở dài.

Ngôi nhà đơn sơ, không sắm sửa trong ngày Tết. 

Tết đến xuân về mới thấy sự cám cảnh của gia đình có hoàn cảnh khó khăn này. Khi được hỏi về việc gói bánh chưng, chị Phú chỉ lắc đầu. Năm nào chính quyền hoặc đơn vị nào cho thì có, nếu không thì ăn cơm mấy ngày Tết là mừng rồi.

“Tôi chỉ mua mấy gói kẹo thắp hương thôi, hoa quả cau trầu thì hái trong vườn. Năm nào mấy mẹ con cũng chỉ như vậy, cốt ở tấm lòng”, chị Phú cười trừ.

Ước mơ của Thảo là trở thành cô giáo. 

Các cậu các mự cũng thỉnh thoảng cho tiền, nhưng gia đình nào cũng đang khó khăn nên chẳng được là bao. Số tiền có được, chị Phú dành dụm mua sách vở đầu năm cho con và mua thuốc những lúc đau ốm.

“Ước mơ của Thảo là được đi học sư phạm, thế nhưng nhìn đi nhìn lại ngôi nhà chẳng biết bán gì cho con học đại học. Lâu nay tôi cứ động viên con học xong cấp 3 rồi sẽ tính, sống được ngày nào hay ngày đó”, chị Phú nói.

Dù khó khăn nhưng Thảo học rất khá và đạt nhiều thành tích. 

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn xác nhận gia đình chị Nguyễn Thị Phú là hộ nghèo nhiều năm liền của xã.

“Khi có chính sách giành cho người nghèo thì gia đình chị Phú luôn nằm đầu sổ. Chúng tôi cũng rất muốn gia đình có một cái Tết thật đầm ấm như bao người khác, thế nhưng phần quà cũng chỉ gọi là. Vì vậy, rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp sức, cùng nhau hỗ trợ để gia đình chị Thảo thêm ít gạo thịt ăn trong ngày Tết”, ông Thuận nói.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

- Chị Nguyễn Thị Phú (SN 1980), trú xóm 14, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 0336530181