Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô giáo trường làng vào top 50 giáo viên toàn cầu

Từ chối làm việc ở Canada, cô Trần Thị Thúy trở về trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.

Những ngày cuối năm Mậu Tuất, các cựu học sinh lớp 12A1 (khoá 2015-2018 trường THPT Đức Hợp, xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) lên kế hoạch chúc Tết thầy cô giáo cũ. Không thể thiếu trong danh sách là cô giáo Trần Thị Thúy.

"Cô là phó chủ nhiệm nhưng đồng hành với lớp trong mọi hoạt động. Chính cô đã truyền cảm hứng, giúp chúng em hứng thú học tiếng Anh, tự tin giao tiếp với người nước ngoài", Trần Thu Hà, sinh viên năm nhất Đại học Thương mại, nói.

Cô giáo mà Hà và học sinh trường THPT Đức Hợp yêu quý vừa được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu, từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.

Trong thư thông báo gửi cá nhân lọt top 50, Ban tổ chức viết rõ không quá coi trọng các giải thưởng nhà giáo từng đạt được, thứ họ đánh giá cao nhất là những điều giáo viên làm được cho học sinh ngoài kiến thức trong sách giáo khoa; hỗ trợ gì cho giáo viên khác và ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng.

"Nhiều người chắc sẽ bất ngờ khi cô giáo trường nông thôn nhưng gần như cuối tuần nào cũng kín lịch đến các trường Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Cô Thúy không chỉ đưa công nghệ giáo dục đến với học trò vùng quê, tạo được hứng khởi học tập cho các em mà còn truyền cảm hứng cho giáo viên trường khác", Hiệu trưởng trường THPT Đức Hợp, ông Hà Quang Vinh nói.

 Cô Trần Thị Thúy - giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Đức Hợp (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên). Ảnh: Quỳnh Trang.

Cô Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông. Nhà nghèo, người anh cả học hết lớp 6 nghỉ để cùng bố mẹ lao động kiếm tiền, nhường cơ hội học tập cho hai em. Thúy lần đầu tiếp xúc tiếng Anh trong chương trình lớp 6. Những năm THCS còn lại, cô và các bạn không được học tiếp môn này do trường thiếu giáo viên.

"Một người anh họ là sinh viên Đại học Ngoại thương khi về chơi đã tặng tôi cuốn tạp chí song ngữ Sun Flower. Ở đó, tôi tìm thấy kiến thức thú vị ngoài tiết dạy của cô giáo nên tự mày mò học tiếng Anh vì nghĩ biết đâu có lúc dùng đến", cô Thúy nói.

Sở thích học ngoại ngữ theo Thúy suốt những năm THPT và là lựa chọn của cô để học tiếp đại học. Ở xã Đức Hợp ngày đó, hiếm thí sinh nào thi năm đầu đỗ ngành tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Sư phạm Hà Nội... Lý do học sinh nơi đây chỉ được học ngoại ngữ hệ 3 năm, trong khi đề thi sử dụng kiến thức hệ 7 năm. Học trò thường phải lên Hà Nội luyện thi vài tháng hoặc một năm mới có cơ hội đỗ. Không có điều kiện học thêm, Thúy mua sách về tự ôn thi.

Bước chân vào giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thúy nhận ra mình như người "câm điếc tiếng Anh". "Tôi ngồi đơ trên giảng đường vì không hiểu cô giáo nói gì và không nói được gì. Tôi phải học lại toàn bộ cách phát âm, đặt răng, lưỡi thế nào cho đúng", cô kể.

Suốt học kỳ đầu, cô miệt mài lên phòng máy tính của thư viện để nghe chương trình tiếng Anh và học nói với các bạn cùng lớp. Nhiều hôm Thúy ở lỳ trên thư viện đến 8h tối. Cô tận dụng tối đa những gì miễn phí để cải thiện trình độ. Trừ năm học đầu tiên bị đuối môn tiếng Anh, những năm sau Thúy đều được học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập loại giỏi.

Từ trải nghiệm khó khăn của bản thân, khi trở thành giáo viên, cô Thúy luôn cố gắng để học sinh không bị rơi vào tình cảnh tương tự. Cô khuyến khích các em nghe, nói thật nhiều. Cũng vì vậy mà thời gian đầu dạy học tại THPT Đức Hợp, cô từng bị phụ huynh phê bình vì nói tiếng Anh lắm quá học sinh không hiểu.

"Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò nghĩ nhiều, muốn nhiều hơn thế. Tôi kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên và có cơ hội ra nước ngoài thì các em với điều kiện học tập tốt hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế", cô giáo kể.

 Học sinh trường THPT Đức Hợp tham gia tiết học kết nối skype để giao tiếp tiếng Anh với học trò quốc gia khác. Ảnh: NVCC.

Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án.

Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh... của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.

Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi... Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản. Mới đây, trong tiết học tại lớp 10A1, học trò đã "du lịch" nước Anh qua buổi skype với người bản địa. Họ vừa đi tới các địa danh nổi tiếng, vừa giới thiệu qua điện thoại cho học sinh trường THPT Đức Hợp.

"Các tiết học rất thú vị, sôi động. Chúng em không chỉ mở rộng vốn từ vựng, tự tin giao tiếp tiếng Anh mà còn tăng khả năng thuyết trình, làm powerpoint... Cách dạy của cô Thúy giúp em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn và hiểu được tiếng Anh rất cần thiết trong kết nối mọi người trên thế giới", Vũ Thảo Hiền (lớp 10A1, THPT Đức Hợp) nói.

Cựu học sinh Trần Thu Hà thì ấn tượng với những buổi trưa cô giáo không về nhà mà mua cơm hộp ăn ngay tại lớp để tranh thủ chỉn chu phòng ốc, chương trình, thiết bị kết nối skype cho giờ học chiều. Sự tận tâm, cố gắng để có tiết dạy chất lượng của cô Thúy khiến học sinh cũng nỗ lực học tập theo.

Trường không có wifi, camera kết nối Internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, cô Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Do cần đường truyền ổn định, cô giáo đã mua dây, xin nhà trường cho nối mạng từ phòng hiệu trưởng đến các lớp học.

Hiện nay, đường Internet của cô Thúy dài đến 200 m, kéo đủ đến những phòng học trên tầng cao của 3 dãy nhà trong trường. "Giờ ra chơi, học sinh lớp này sẽ lên thu dây từ lớp khác rồi kéo sang phòng học của các em. Tuy vất vả một chút nhưng tôi và học trò đều hiểu rằng có Internet mọi thứ sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn nên tất cả đều cố gắng", cô Thúy nói.

Cô Thúy đã giành giải nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2016; là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017. Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada chào mừng tới quốc gia này. Tuy nhiên, cô từ chối với lý do "ra đi là để trở về".

 Cô Trần Thị Thúy giương cao lá cờ Việt Nam khi chiến thắng tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017.

Quay lại THPT Đức Hợp, cô Thúy xin bố mẹ đẻ mảnh đất trống để mở thư viện, dạy học miễn phí cho học sinh. Nhiều người bảo cô có danh tiếng thì nên dạy thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhưng cô không muốn thế. "Ngày bé nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ, tôi muốn ở Đức Hợp, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Ai đó có thể bảo tôi khùng, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng con đường lựa chọn", cô chia sẻ.

Từ chối những lời mời dạy học ở môi trường làm việc tốt, không muốn làm quản lý hay trở thành người tập huấn giáo viên, cô Thúy hiện chỉ muốn đi dạy học. Cô cất kỹ bằng khen vì hiểu nó chỉ có tính thời điểm, học sinh sẽ không nhìn vào đó để đánh giá giáo viên mà coi trọng việc thầy cô dạy dỗ thế nào.

Đều đặn mỗi ngày, cô Thúy thức dậy lúc 4h để chuẩn bị cho ngày dạy mới, đưa hai con tới trường. Cô hạnh phúc với cuộc sống không khá giả vật chất, nhưng gia đình nội, ngoại yêu thương nhau, học sinh mỗi ngày tới lớp lại cười rạng rỡ.

Tháng 3 tới, cô Thúy sẽ sang Dubai dự lễ vinh danh 50 giáo viên toàn cầu và trao một triệu đôla cho người xuất sắc. "Nếu được giải thưởng ấy, tôi sẽ thực hiện lời hứa là phát triển thư viện Sunflower và hỗ trợ giáo viên khác", cô nói.