Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu và câu chuyện lao động chui

Cùng với việc đi làm tại nước ngoài theo con đường chính thống, nhiều người đi theo hình thức du lịch, du học rồi bỏ trốn...

Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm, đạt hơn 142 nghìn người, vượt 30% so với kế hoạch năm và tăng 6% so với năm 2017.

Trong đó thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… tiếp tục là các thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất. Tuy nhiên, có một thực tế là cùng với việc đi làm việc ở nước ngoài theo con đường chính thống, thời gian qua nhiều người đã chọn ra nước ngoài theo hình thức du lịch, du học, thăm thân… rồi bỏ trốn, với mong muốn tìm được việc làm ở xứ người.

 Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.

PV: Thưa ông, để đưa được hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, công tác chuẩn bị nguồn và đào tạo người lao động được Bộ LĐTBXH triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra Chương trình gắn kết công tác chuẩn bị nguồn, đào tạo nguồn để đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao chất lượng người lao động. Trong đó, Bộ đã thành lập tổ công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và thị trường lao động.

Thời gian qua, Cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị để các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kết nối các doanh nghiệp này với các địa phương, cơ sở, như: Trung tâm dịch vụ việc làm, các trường đào tạo nghề... để các doanh nghiệp gắn kết vào công tác giáo dục nghề nghiệp, tuyển chọn lao động ở địa phương để đi làm việc ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, các địa phương đã chuẩn bị rất tốt việc thông tin tuyên truyền đến người lao động để tập trung người lao động ở các trung tâm lao động việc làm, trung tâm đào tạo nghề để đào tạo, hướng dẫn người lao động về nghề nghiệp cũng như là ngoại ngữ. Bên cạnh đó đã giáo dục về ý thức cho người lao động.

 Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH).

Năm 2018, đánh dấu được triển khai công tác thị trường và sự đầu tư của các doanh nghiệp trong việc đưa lao động đi nước ngoài để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đồng thời trong nước cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc xây dựng thể chế trong việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài cũng điều hành quản lý hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động phối hợp với các địa phương trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

PV: Có một thực tế đã xảy ra trong thời gian qua đó là việc một số người muốn ra nước ngoài làm việc nhưng lại không theo con đường chính thống mà đi theo hình thức du lịch, du học, thăm thân… rồi bỏ trốn ra ngoài làm việc, vậy họ sẽ gặp những bất lợi gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để kiếm thu nhập, nâng cao đời sống người lao động là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều trường hợp người lao động tự đi làm việc ở nước ngoài hay nói là lao động tự do, tự tìm kiếm việc làm, họ đi bằng các hình thức khác nhau, chẳng hạn đi theo hình thức du lịch hay du học, đi thăm thân hoặc xuất cảnh ra nước ngoài theo visa ngắn hạn, trong đó có tìm kiếm việc làm.

Việc đi làm việc này người lao động không được bảo đảm về quyền lợi. Đi ra nước ngoài bằng hình thức hợp pháp nhưng làm việc ở nước ngoài bằng hình thức đó lại là không hợp pháp. Như vậy, quyền lợi và các chế độ của họ không được bảo đảm. Bên cạnh đó hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài như vậy là không đúng, lợi dụng người lao động để thu tiền đồng thời sẽ gây nguy hiểm cho người lao động nếu không may sẽ bị bắt, bị đối xử ngược đãi.

PV: Vậy theo ông nguyên nhân nào khiến nhiều lao động lại chọn đi theo hình thức bất lợi như vậy?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Tâm lý người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài là đi thật nhanh. Nếu theo doanh nghiệp phải mất thời gian học tập, nghề phải đúng theo yêu cầu, bên cạnh đó chi phí cũng có câu chuyện đi lao động mất phí cao hơn phí đi du lịch. Có người lao động nói nếu đi xuất khẩu lao động mất 80 triệu thì đi du học, du lịch chi phí chỉ mất có 20, 30 triệu. Tâm lý muốn đi nhanh, như đi Hàn Quốc phải học tiếng, sau phải thi, rồi bên Hàn Quốc chấm điểm, đến khi đạt kết quả cũng phải chờ chủ sử dụng Hàn Quốc tiếp nhận đăng ký hồ sơ qua mạng. Việc này làm cho người lao động- những người muốn đi làm việc ở nước ngoài cũng thấy rằng khó khăn cho họ…nhưng tất cả những cái đó nó đảm bảo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tốt hơn.

PV: Trước thực trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng như Bộ LĐ-TB-XH đã có những cảnh báo như thế nào đối với những lao động?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Thời gian qua Cục đã nhận được rất nhiều đơn thư của người lao động cũng như sự phối hợp với địa phương về vấn đề này, như đi làm việc tại Lào, Thái Lan, hay đi qua biên giới như vừa rồi ra Hàn Quốc du học hay các nước khác cũng như đi du lịch tại Đài Loan (Trung Quốc) thời gian vừa qua.

Việc này, chúng tôi đã thông tin tuyên truyền rộng rãi để người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các tổ chức hay doanh nghiệp mà được nhà nước cho phép cũng như những hợp đồng được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận để bảo đảm quyền lợi của người lao động tốt hơn.

Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đưa lên mạng các hợp đồng, tên các doanh nghiệp có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong quá trình làm việc cũng như có những vướng mắc phát sinh ngay sau khi về nước.

PV: Xin cảm ơn ông!/.