Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhìn Qatar hạ Nhật Bản để thấy trân trọng sự thành công của Việt Nam

Nước chủ nhà World Cup 2019 - Qatar đã vô địch ASIAN Cup 2019 một cách thuyết phục. Đó là một hành trình dài của sự đầu tư có định hướng rõ ràng.

Cả châu Á đã ngả mũ trước thành công của Qatar sau chiến thắng 3-1 trước tuyển Nhật Bản để vô địch ASIAN Cup 2019. Nhưng tôi nghĩ chức vô địch của Qatar không có ý nghĩa bằng hành trình nâng tầm bóng đá của đất nước này.

Đơn giản, Hy Lạp vô địch Euro 2004 thì chỉ là niềm vui nhất thời. Hy Lạp vẫn mãi là Hy Lạp, đội bóng quen chịu phận lót đường ở Euro và World Cup nếu may mắn có vé tham dự. Vì nền bóng đá Hy Lạp không thể sánh ngang với Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý…

Hàn Quốc thắng Đức 2-0 ở World Cup 2018 nhưng chỉ đi đến tứ kết ASIAN Cup 2019. Thành tích cũng chỉ ngang với Việt Nam nếu xét riêng ở giải đấu năm nay.

Nhiều người hâm mộ Việt Nam nếu dõi theo sít sát bóng đá nước nhà sẽ biết rằng, mỗi năm có 1 chương trình đưa tài năng bóng đá Việt Nam đi Qatar học bóng đá ở Học viện Aspire. Tiền vệ Thái Sung là một ví dụ.

Cũng tin rằng, không nhiều người chú ý đến chuyện Qatar là nước chủ nhà World Cup 2022. Qatar đầu tư dài hơi bóng đá vì tính đến hành trình xa hơn cho tương lai. Mục tiêu của họ không chỉ dừng lại ở ASIAN Cup 2019, đích ngắm là sân khấu World Cup 2022 - họ sắm vai chủ nhà nên cần có một ĐTQG có trình độ chuyên môn tốt, ít nhất không phải rơi từ vòng bảng, hoặc mơ cao hơn là làm được câu chuyện thần kỳ như Hàn Quốc của năm 2002.

 Qatar hạ Nhật Bản để vô địch ASIAN Cup 2019.

Hành trình rõ ràng rất quan trọng với bất kỳ nền bóng đá nào trên thế giới, dù đó là Việt Nam hay tuyển Đức. Người Đức cũng phải nuôi dưỡng cả một thế hệ tài năng của lứa Neuer, Oezil… sau chức vô địch U21 châu Âu để đến ngày vô địch thế giới năm 2014.

Tuyển Việt Nam có được thành quả như ngày hôm nay cũng trải qua một quá trình dài hơi. Viên gạch đầu tiên cũng như Qatar là có Học viện bóng đá mang tên HAGL -Arsenal - JMG của bầu Đức. Ông chủ CLB HAGL bắt tay với Arsenal sau cuộc trò chuyện về bóng đá với HLV nổi tiếng Wenger.

Bóng đá Việt Nam chỉ khi có Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG mới tiếp cận được sự chuyên nghiệp về cách phát triển một nền bóng đá không còn xây nhà tức nóc. Nhưng đi được đến ngày hôm nay thì phải trải qua thăng trầm, nhiều cột mốc, nhiều thất bại. Từ hiệu ứng U19 Việt Nam đến sự hồi sinh V.League, sau đó là thất bại ở SEA Games năm 2017 mới bắt đầu có cột mốc lịch sử Á quân U23 châu Á năm 2018, kế đến là ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018 và tứ kết ASIAN Cup 2019.

Người hâm mộ luôn vui sướng khi nói đến vinh quang của đội tuyển, còn thất bại chỉ trích. Nhưng ít ai để ý đến quá trình dài hơi để tạo ra những giá trị. Cũng như chính bầu Đức khi nói về thành công của bóng đá Việt Nam vẫn không thể quên được câu chuyện từng bị “ném đá” rất nhiều từ ngày xây Học viện, hay những ý kiến thiếu tích cực với suy nghĩ bầu Đức mời HLV Park Hang Seo về để chi phối ĐTQG, hoặc dè bỉu ông Park kém tài…

Bầu Đức cũng không quên lần viết đơn xin nghỉ VFF sau thất bại ở SEA Games năm 2017. Mọi “búa rìu” dồn lên lứa Công Phượng, bầu Đức như tâm điểm đổ lỗi trách nhiệm. Nhưng tất cả quên mất thành bại của một nền bóng đá thì cần phải nói đến đầu tiên là vai trò của Liên đoàn bóng đá. Thật may là bầu Đức không tự ái, chấp nhận tổn thương để tiếp tục cống hiến bằng cách mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam.

 Bầu Đức là người tiên phong xây Học viện bóng đá ở Việt Nam.

Trồng được quả ngọt để đến ngày thu hoạch thực sự gian nan, trải qua đủ mọi sương gió… Trồng người trong bóng đá vì mục tiêu phát triển cho cả nền bóng đá càng khó gấp nhiều lần. Một lứa cầu thủ chỉ biết đá bóng giỏi là chưa đủ. Cần trang bị thêm văn hóa, tiếng Anh, đả thông tư tưởng phải đá hết mình vì màu cờ sắc áo. Tức như bầu Đức nói thì trước khi trở thành cầu thủ giỏi phải là một công dân tốt.

Hãy nhìn tấm hình bầu Đức ngồi giữa trời nắng xem lứa Công Phượng, Xuân Trường từ ngày còn nhỏ học chơi bóng. Trong bức ảnh nhìn khá rõ ông chủ CLB HAGL đăm chiêu, còn phía trước là Lương Xuân Trường trong hình hài cậu nhóc chân ướt chân ráo theo đuổi đam mê bóng đá. Họ đã đi cùng nhau một hành trình rất dài cho đến ngày lứa Công Phượng cống hiến cho ĐTQG.

Nhìn lại một năm thành công của bóng đá Việt Nam, mỗi chúng ta có lẽ không mất quá nhiều thời gian để liệt kê ra và nói chuyện trong niềm vui. Nhưng làm sao để tiếp tục có những niềm vui ấy, thậm chí phải nghĩ đến điều lớn lao hơn thì điều đầu tiên là cần nhìn lại hành trình dài 12 năm của bóng đá Việt Nam, từ thành tích tứ kết ASIAN Cup 2007 đến ASIAN Cup 2019, phải học cách trân trọng những cột mốc và những người tạo các giá trị này.

Sau đó, chúng ta cần nhìn lại đúng vị thế, trình độ so với châu lục để làm cách nào vươn tới mục tiêu đề ra, ví dụ giấc mơ dự World Cup 2022 hoặc 2026. Con đường duy nhất là phải có sự đầu tư để tiếp tục “trồng” ra những tài năng cho bóng đá Việt Nam, lứa kế cận phải hay hơn lứa đi trước.