Bệnh sởi ở Nghệ An đã phát triển thành dịch
- 11:17 31-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thành phố Vinh là “tâm” bệnh sởi
Sáng 30/1, buồng cấp cứu của Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có tất cả 5 trẻ đang được điều trị sởi. Trong đó có 1 trẻ đến từ huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và 4 trẻ đến từ thành phố Vinh...
Điều đáng nói, cả 4 trẻ ở thành phố Vinh trước khi mắc sởi đều chưa đi tiêm phòng sởi, trong đó có 1 trẻ mắc bệnh do lây chéo khi đi khám bệnh tại một cơ sở y tế trên địa bàn, 1 trẻ khác mắc bệnh khi lây từ bạn tại một trường mầm non tư thục, sau đó về nhà lây tiếp cho em của mình.
Bác sỹ CKII Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân tại khoa bệnh Nhiệt đới. Ảnh: Sơn Thành |
Khu vực cách ly điều trị trẻ mắc sởi. Ảnh: Thành Sơn |
Sáng 30/1, Khoa Nhiệt đới có 47 trẻ mắc sởi đang điều trị, trong đó số trẻ ở thành phố Vinh chiếm tỷ lệ trên 50%. Thạc sỹ, bác sỹ Võ Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho hay: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy thành phố Vinh đang là “tâm” của bệnh sởi. Tính từ ngày 01/7/2018 đến nay, có 1.042 ca mắc sởi vào điều trị thì thành phố Vinh có 585 ca. Trong tháng 01/2019, có 224 ca mắc sởi vào điều trị thì thành phố Vinh có 120 ca. Ngày cao điểm, Khoa Bệnh nhiệt đới đã phải tiếp nhận tới 130 ca vào điều trị. Có rất nhiều trẻ ở các huyện khi nhập viện đã ở tình trạng biến chứng nặng”.
Tính tới thời điểm này, hầu hết các trẻ mắc sởi đều được Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị tốt, không để xảy ra trường hợp nào tử vong, song có một số ít trường hợp rất nặng phải chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo các bác sỹ: Dẫu những ngày cuối năm nay, bệnh nhân có giảm đi tuy nhiên không vì thế mà ngành Y và bệnh viện có thể lạc quan. Bởi thời điểm này diễn biến thời tiết phức tạp, thuận lợi cho virus phát triển; trẻ di dịch chuyển theo cha mẹ về quê ăn Tết; trong Tết, nhiều gia đình ngại đưa trẻ vào viện, tạo điều kiện để sởi lây lan trong cộng đồng... Tết này, không chỉ thành phố Vinh mà rất có thể bệnh sởi “rộ” lên khắp các địa phương trong tỉnh.
Khó ngăn chặn sởi lây lan
Bác sỹ Phan Văn Tư - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận tình hình bệnh sởi ở Nghệ An không còn phải là những ca lẻ tẻ mà đã thành dịch. Với những con số thống kê của bệnh viện cho thấy, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng nhanh. Để phòng, chống bệnh sởi hiệu quả cũng như tránh tình trạng lây chéo trong bệnh viện, từ tháng 7/2018, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo dập sởi do một Phó Giám đốc đứng đầu; từ tháng 10/2018, thực hiện cách ly, Khoa Bệnh Nhiệt đới chỉ tập trung cho việc điều trị bệnh sởi. Bệnh viện bố trí cho khoa 01 máy X-Quang, 01 máy siêu âm, để trẻ mắc sởi không phải di chuyển ra khỏi khu vực. Khi trẻ đến khám nếu có dấu hiệu của sởi thì ngay lập tức phân luồng chuyển ngay sang Khoa Bệnh Nhiệt đới để khám, điều trị”.
Bác sỹ Phan Văn Tư cũng thừa nhận: “Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp cách ly, phân luồng tích cực nhưng vẫn khó có thể đảm bảo không có tình trạng lây chéo. Có trẻ khi vào viện ban đầu thì điều trị hô hấp, vài ngày lại xuất hiện bệnh tiêu hóa, vài ngày nữa bệnh sởi mới mọc. Và dẫu tuyên truyền bằng nhiều cách như hướng dẫn trực tiếp, biển bảng nhưng nhiều người nhà bệnh nhân sởi khi vào chăm sóc, thăm nom lại vô ý thức không sử dụng khẩu trang y tế. Nhiều trẻ sau khi điều trị khỏi đã được khuyến cáo tiếp tục cách ly ở nhà 3-5 tuần nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho trẻ đi học”.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An: Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã cảnh báo năm 2018 là năm bệnh sởi bùng phát theo chu kỳ. Từ tháng 5/2018, Việt Nam đã phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi đồng loạt toàn quốc. Nghệ An đã thực hiện đẩy mạnh tiêm phòng miễn phí ở 17 huyện, thành, thị có nguy cơ cao...”.
Dẫu đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên phải nói rằng, tỷ lệ tiêm phòng sởi vừa qua chưa thật tốt bởi tính chất đặc thù. Đó là từ tháng 9/2018, nhà sản xuất vắc xin Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) dừng sản xuất, cung ứng nên Nghệ An thiếu loại vắc xin này. Từ chỗ thiếu Quinvaxem, các phụ huynh cũng lơ là không đưa con đi tiêm phòng và không tiêm sởi. Người dân chủ quan với sởi cộng thêm tâm lý e ngại vắc xin comBe Five đã khiến tỷ lệ tiêm phòng chưa cao. Từ tháng 7/2018 đến nay, Nghệ An có khoảng 1.400 ca mắc sởi.
Cần vào cuộc đồng bộ, kiên trì
Sáng 30/1, lãnh đạo Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế), Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Nghệ An và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã có buổi làm việc đánh giá tình hình bệnh sởi và đề ra các biện pháp ngăn chặn. Trong buổi làm việc này, ngành Y tế Nghệ An nhìn nhận: Bệnh sởi tại Nghệ An tuy không dồn dập, với mức độ nguy hiểm cao như dịch sởi năm 2014 (3 trẻ tử vong trên nền bệnh sởi), tuy nhiên vẫn có nhiều yếu tố nguy cơ cao, đặc biệt là tình trạng lây lan trong cộng đồng. Để ngăn chặn bệnh sởi cần sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng.
Bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Thành Sơn |
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế thống nhất ý kiến tham gia và chỉ đạo: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và các bệnh viện, cơ sở y tế khác trong tỉnh cần phòng, chống sởi tại khu vực phòng khám bằng việc đẩy mạnh truyền thông tại chỗ bằng pa nô, áp phích, bằng video phát tại phòng chờ, ngay từ cổng. Các bác sỹ phòng khám cần thực hiện tốt các quy trình quy định về thăm khám; phân luồng sớm bệnh nhân sởi; tuyên truyền mạnh việc tiêm phòng; hướng dẫn bệnh nhân và người nhà không nên ngồi dần – trò chuyện khi chờ thăm khám... Các bệnh viện cần thực hiện tốt chế độ báo cáo phòng dịch một cách chi tiết để có những nhận định, các biện pháp ứng phó kịp thời.
Ngay trong ngày 30/1, Phòng Nghiệp vụ y – Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tham mưu cho Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường tiêm phòng sởi – rubella. Nếu đơn vị nào để tỷ lệ tiêm phòng thấp, dịch sởi bùng phát sẽ xem xét kỷ luật... Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh phối hợp cùng các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức về bệnh sởi cho cộng đồng bằng nhiều hình thức, góc độ.
Bác sỹ Phan Văn Tư - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay: Bệnh sởi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong khi phát triển trên các nền bệnh khác như tim, suy dinh dưỡng... Điều trị sởi cũng là một gánh nặng lớn về kinh tế. Trong số 1.042 trẻ mắc sởi, đã có 200 trẻ phải dùng thuốc tăng cường miễn dịch. Mỗi trẻ cần dùng 3 lọ, mỗi lọ trị giá trên 4 triệu đồng. |
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Ngành Y tế sẽ phân tách rõ, cụ thể những địa phương nào có nhiều bệnh nhân mắc sởi; qua đó để tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc đến tận các xã, phường; trực tiếp làm việc với từng địa phương nhằm huy động cả hệ thống chính trị - xã hội cùng vào cuộc... Về phía người dân, các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng sởi; chú ý tình trạng sức khỏe của trẻ, khi phát hiện dấu hiệu bệnh cần đưa đến các cơ sở y tế để điều trị và không tự ý điều trị tại nhà. Sởi chỉ có thể được phòng chống, giảm thiểu khi mọi người cùng vào cuộc đồng bộ và kiên trì thực hiện tiêm phòng.