Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Việt Nam chỉ sau Nhật, phà ơi!

Tôi ngồi xem trận Nhật Bản - Iran và thấy đó là một thứ bóng đá đằng cấp, của những đội bóng đẳng cấp. Trong khi đó, vợ tôi ngồi cạnh thì bình luận: “Giải đấu không có Việt Nam chán hẳn”.

 

 

Rồi khi kết thúc trận đấu, người phụ nữ vốn không chắc chắn về số lượng cầu thủ trên sân đã chốt một câu đầy khảng khái: “Mình thua Nhật một bàn, Iran thua Nhật ba bàn, nghĩa là Việt Nam còn hơn... Iran” (chắc quên vụ vòng bảng Việt Nam thua Iran 0-2). Và câu này mới khủng: “Em sẽ ủng hộ Nhật Bản vô địch vì nếu thế thì mình chỉ đứng sau đội vô địch và coi như là giải nhì rồi”.

Tôi bật cười kiểu lý sự mang phong cách tự sướng này nhưng hỡi ôi, tự sướng đang là trào lưu. Có vẻ như bóng đá Việt chưa phát triển tương xứng với mong mỏi của... cộng đồng mạng.

Quay trở lại trận đấu một chút, tôi cho rằng Nhật Bản đã thắng bằng cái đầu, bằng trí tuệ và sự lạnh lùng. Có vẻ như cách tiếp cận trận đấu của họ đầy tính toán, tỉ mẩn, khoa học và chi tiết. Đó là những đức tính nổi bật của người Nhật không chỉ thể hiện qua bóng đá mà qua công việc, thậm chí qua cả những vật dụng mà họ sản xuất ra thế giới. Từng cá nhân thì Nhật không hay hơn nhưng ghép vào một tập thể thì họ vượt hơn và chiến thắng.

 

Chiến thắng của Nhật hao hao giống chiến thắng của Djokovic trước Nadal. Sự chủ động, khắc chế những điểm mạnh của đối thủ và kết liễu trong sự lạnh lùng là những yếu tố mang đến chiến thắng. Điều đó có thể thấy qua sự bình thản đến kinh ngạc của ông HLV Nhật Bản sau mỗi bàn thắng.

Nhưng thôi, quay lại Việt Nam đi. Cộng đồng mạng hôm qua dậy sóng sau trận đấu không phải vui với tuyển Nhật Bản, không phải buồn cho tuyển Iran mà... tiếc cho tuyển Việt Nam.

Không thể so sánh Nhật Bản ở hai trận đấu với Việt Nam và với Iran bởi tâm thế và tư thế của họ khác nhau. Nếu như ở trận đấu tứ kết, với kết quả 0-1 và một số pha bỏ lỡ đáng tiếc của Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải thì phà ơi, đẳng cấp bóng đá Việt Nam tiệm cận với bóng đá Nhật Bản quá, chẳng mấy mà đuổi kịp người anh em Đông Á, chẳng mấy mà có cơ hội giật vé World Cup.

Ấy nhưng mà xem xong bán kết, có vẻ như điều ấy còn xa quá. Xa như là cơn mê giữa cộng đồng mạng, xa như cái ảo và cái thật.

Câu hỏi là bóng đá Việt Nam sau một loạt thành công là do phong độ hay đẳng cấp? Sẽ có nhiều người nói rằng đó là do đẳng cấp. Đột biến ở một giải đấu là phong độ nhưng ở nhiều giải đấu là đẳng cấp. Cũng như một vĩ nhân đã nói một lần là may mắn nhưng nhiều lần thì do năng lực.

Năng lực của bóng đá Việt Nam đã được cải thiện, điều đó không bàn cãi nhưng nó được hợp thành bởi nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến vai trò của ông Park Hang-seo.

Hãy thử hình dung, nếu bỏ qua nhân tố Park Hang-seo thì bóng đá Việt Nam còn lại gì? Không dễ để tìm câu trả lời và nỗi canh cánh của NHM Việt Nam bây giờ là phải làm thế nào giữ bằng được ông thầy người Hàn Quốc trong việc tái ký hợp đồng sắp tới, bởi nếu vắng ông Park thì nguy cơ bóng đá Việt Nam lại bị “kéo tụt” về phía ao lang Đông Nam Á là thấy rõ.

Đẳng cấp của một nền bóng đá không thể chỉ trông vào một ông thầy hay đội tuyển. Nó là câu chuyện xây dựng đội ngũ cầu thủ trẻ, xây dựng một lứa HLV có trình độ cao hoặc xây dựng một tiềm lực kinh tế vững mạnh để có thể thuê được những ông thầy tốt.

Dẫu rằng không ai đánh thuế giấc mơ nhưng cần tỉnh táo bởi thành công lúc này, hãy nghĩ, chỉ là khởi đầu và có rất nhiều, rất nhiều việc phải làm.