Bộ Tư pháp trình Chính phủ Nghị định về họ, hụi
- 16:54 29-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen hay các hình thức chơi họ (hụi) đã phát sinh những hệ lụy khiến nhiều người điêu đứng. Trên thực tế, bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành riêng mục 4, Chương XVI để quy định về Hợp đồng vay tài sản, bao gồm quyền, nghĩa vụ của bên vay, bên cho vay; việc chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản vay; lãi suất cho vay; hình thức hợp đồng vay và các hình thức họ, hụi, biêu, phường.
Trong đó, để kiểm soát các vấn đề liên quan đến việc cho vay nặng lãi, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về mức trần của lãi suất cho vay. Cụ thể, mức lãi suất vay cho các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác và mức trần lãi suất này sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tùy tình hình thực tế).
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn (20%/năm/khoản tiền vay) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ.
Ngoài ra, với hình thức tổ chức họ, hụi, biêu, phường, đối với trường hợ tổ chức có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật cũng nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Cùng với đó, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Theo điều 201, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi có đủ hai dấu hiệu: một là lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự; hai là thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi p hạm.
Như vậy, so với quy định tại Điều 163 – Tội cho vay nặng lãi của Bộ luật hình sự 1999 thì Điều 2011 đã được sửa đổi theo hướng hạ số lần lãi suất cho vay so với mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự từ 10 lần xuống còn 5 lần; thay thế tình tiết “có tính chất chuyên bóc lột” bằng tình tiết “thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…”. Đồng thời, về hình phạt, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng thay thế cách tính mức phạt tiền “từ một lần đến 10 lần số tiền lãi” bằng mức tiền cụ thể từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Tiếp đó, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến cho vay nặng lãi như: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước VN công bố tại thời điểm cho vay”…
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, qua rà soát cho thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại nghị định 167 nói trên đến nay đã không còn phù hợp với quy định về lãi suất jcho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (20%/năm/khoản vay), và cũng không còn phu fhowpj với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay. “Hiện nay, nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ…)” - đại diện Bộ Tư pháp cho biết.
Trước thực tế nói trên, Bộ Tư pháp cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 để khắc phục những bất cập nêu trên. Cùng với đó, Bộ Tư pháp hiện đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thiếu tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết, thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện 6 vụ liên quan đến giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản và gần 2.000 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm và 165 vụ hủy hoại tài sản… Theo báo cáo hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Công an đang rà soát làm rõ có khoảng 200 băng nhóm hoạt động liên quan đến tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. |