Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hai cựu thứ trưởng công an nói không biết Vũ 'nhôm' chuyển nhượng đất

Cựu thứ trưởng Trần Việt Tân cho rằng cáo trạng có điểm chưa chuẩn xác, còn ông Bùi Văn Thành nói không biết việc Vũ “nhôm” chuyển nhượng nhà đất công sản cho tư nhân.

Trong phần thẩm vấn diễn ra sáng 28/1, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và đồng phạm trong vụ án xảy tại ngành công an lần lượt trả lời câu hỏi của HĐXX về cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vũ khẳng định ông ta cho thuê, chuyển nhượng các lô “đất vàng” ở Đà Nẵng, TP.HCM để phát triển tiềm lực kinh tế tình báo. Còn hai cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân khai không biết Vũ chuyển nhượng, sử dụng trái mục đích các lô đất cho đến khi vụ án được khởi tố.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2019/01/28/Hai_c___u_th____tr_____ng_c__ng_an_n__i_kh__ng_bi___t_V____nh__m__chuy___n_nh_____ng______t___Ph__p_lu___t___ZING.VN.mp4[/presscloud]

Theo cáo buộc, 2 cựu cán bộ Tổng cục Tình báo đã tham mưu, trình lãnh đạo ký ban hành văn bản tạo điều kiện cho công ty của Vũ thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất trái quy định.

"Bị cáo xin mua rất nhiều dự án"

Trả lời rành mạc từng câu hỏi của thẩm phán, Phan Văn Anh Vũ khai năm 2000, bị cáo thành lập công ty. 9 năm sau, Vũ được Tổng cục V (Bộ Công an) tuyển làm tình báo viên có nhiệm vụ duy nhất là phát triển tiềm lực kinh tế.

"Bị áo xin rất nhiều dự án. Ngoài 7 dự án đã nêu còn có nhiều dự án khác chưa thấy đề cập trong cáo trạng", Vũ nói và khẳng định tất cả các dự án bị cáo xin thuê, mua ở các địa phương đều nhằm mục đích làm kinh tế.

Tại dự án 15 Thi Sách (TP.HCM), Vũ lý giải Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 kết hợp tập đoàn Novaland xây dựng cao ốc phức hợp vì đối tác này là doanh nghiệp có tiềm lực. Còn nhà đất công sản 129 Pasteur theo lời Vũ, lúc đó Tổng cục Hậu cần - Kĩ thuật (Bộ Công an) có chủ trương bán nhưng không ai mua. Khi Chính phủ chấp thuận cho bán với giá thị trường, Vũ định xây căn hộ để phát triển kinh tế nhưng TP.HCM không cho phép vì lý do quy hoạch.

 Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trình bày nhiều nội dung nằm ngoài câu hỏi của HĐXX, buộc thẩm phán phải cắt lời. Ảnh: P.D.

Sau khi mua được bị cáo đã bán cho đơn vị nào? Cựu thượng tá Phan Văn Anh Vũ cho rằng cáo buộc như vậy là oan. Khẳng định công ty không phải "cò" bất động sản, Vũ cho rằng nếu làm theo quy hoạch của TP.HCM thì phải đầu tư 600 tỷ nữa. Thấy việc đầu tư này không khả thi, bị cáo đã bán lại sau khi mua thành công.

Còn việc cho thuê dự án 319 Lê Duẩn (Đà Nẵng), Vũ "nhôm" khẳng định công ty bình phong đã giúp thành phố chỉnh trang đô thị. Ban đầu, lô đất này được một đơn vị khác thuê nhưng bỏ không. Thấy vị trí có thể sinh lời, Phan Văn Anh Vũ đã đàm phán với bên thuê công sản, sau đó có đơn gửi UBND TP Đà Nẵng và báo cáo Tổng cục Tình báo xin mua lô đất này.

Về việc công ty bình phong xin mua đất để phục vụ hoạt động nghiệp vụ nhưng sau đó được chuyển nhượng sang tên Phan Văn Anh Vũ, cựu thượng tá tình báo lý giải Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 chỉ có chức năng phát triển tiềm lực kinh tế. Vì thế không thể ghi là phát triển kinh tế trong công văn gửi chính quyền địa phương. Khu đất trống này rộng hơn 100 m2, chỉ có thể mở nhà hàng nên Vũ xin mua để giúp TP chỉnh trang đô thị.

Còn việc chuyển nhượng tên trên giấy đăng ký sử dụng đất, Vũ khẳng định việc này hoàn toàn đúng. Do thời điểm xin mua, công ty bình phong gặp khó khăn về tài chính. Thấy UBND TP Đà Năng có yêu cầu nộp tiền trong 60 ngày, Vũ đã cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 vay tiền để không mất quyền mua lô đất. Đó lý do Phan Văn Anh Vũ được đứng tên trên "sổ đỏ".

 Cựu thứ trưởng Trần Việt Tân. Ảnh: Việt Hùng.

Cắt lời bị cáo, chủ tọa Trương Việt Toàn nói việc vay tiền và mua đất là 2 quan hệ khác nhau. Nếu Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 không có năng lực thì liệu UBND TP có đồng ý cho mua lô đất?

Trả lời câu hỏi này, Vũ giải thích công ty bình phong không chỉ thực hiện một dự án mà dàn trải đầu tư. Vào thời điểm thị trường bất động sản giống như bong bóng, công ty bình phong đi vay không cần tài sản thế chấp là một may mắn.

Vũ trình bày nhiều nội dung nằm ngoài câu hỏi của HĐXX, buộc thẩm phán phải cắt lời để yêu cầu bị cáo nói trình bày trong phần tranh luận nếu có quan điểm khác với cáo buộc của VKSND.

"Tôi có trách nhiệm là người đứng đầu phụ trách"

Tóc rẽ ngôi khác với kiểu đầu đinh khi còn đương chức, cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành khai ông ký 2 văn bản liên quan dự án 129 Pasteur (TP.HCM). Trong đó, văn bản đầu tiên là thay mặt lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng chấp thuận bán chỉ định lô đất công sản trên cho công ty bình phong do Vũ điều hành. Còn văn bản thứ hai gửi các đơn vị của TP.HCM thẩm định giá bán.

Bản thân ông nhận thấy vị trí 129 Pasteur phù hợp phát triển căn hộ văn phòng phục vụ nhu cầu nghiệp vụ. Dự án sau đó bị bán ngay, bị cáo có kiểm tra, giám sát? Cựu thứ trưởng Bộ Công an khai ông đã trình bày cụ thể trong quá trình điều tra. "Ở cương vị thứ trưởng, bị cáo chỉ đạo cả bộ máy, bị cáo không biết, không có thông tin", ông Thành nói.

Theo ông Thành, giúp việc cho lãnh đạo bộ có cả bộ máy cấp dưới và cơ sở là TP.HCM. Đến nay, cơ sở nhà đất này vẫn nguyên trạng. Khi vụ án được khởi tố, bị cáo mới biết cầu phát triển nghiệp vụ tại 129 Pasteur không được công ty của Vũ thực hiện.

 Cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành đến tòa sáng 28/1. Ảnh: Việt Hùng.

Là người cuối cùng bước lên bục xét hỏi trước khi kết thúc phiên xử buổi sáng, cựu thứ trưởng Trần Việt Tân nói cáo trạng cáo buộc chưa chuẩn xác về chức năng nhiệm vụ của ông. Là người quản lý trực tiếp Tổng cục V nhưng bị cáo lý giải bản thân không phụ trách B61. Việc này thuộc thẩm quyền lãnh đạo Tổng cục.

Còn 6 văn bản đã ký, ông Tân nói nội dung chỉ có mục đích thúc đẩy thủ tục hành chính tại dự án 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), số 8 Nguyễn Trung Trực và 15 Thi Sách (TP.HCM). Số công văn này không nhằm đề nghị chính quyền chuyển nhượng hoặc cho công ty bình phong thuê đất.

Về những sai phạm của Vũ, cựu thứ trưởng khẳng định không biết cựu thượng tá chuyển nhượng đất công sản vì đến nay lô đất số 8 vẫn là trụ sở công ty bình phong. Còn số 16 Bạch Đằng được sử dụng để phát triển tiềm lực kinh tế.

Trước sự truy vấn của HĐXX về trách nhiệm cá nhân, ông Trần Việt Tân thừa nhận: "Tôi có trách nhiệm là người đứng đầu phụ trách lĩnh vực này".

Hai bị cáo nguyên là cán bộ Tổng cục Tình báo gồm Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn cũng khai chỉ ký các văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng và TP.HCM đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án, không mang tính quyết định việc thuê, mua. Cả hai đều nói không biết công ty bình phong chuyển nhượng đất công sản dù Vũ "nhôm" khai mọi hoạt động kinh doanh đều báo cáo Tổng cục.