Diễn biến bất ngờ trước ngày tuyên án vụ chạy thận ở Hòa Bình
- 13:46 28-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn. |
Điều bất ngờ đã diễn ra ngay sau phiên xử cuối cùng 01 ngày, đại diện các gia đình nạn nhân - ông Phạm Ngọc Thạo và ông Đinh Văn Tính đã có Đơn đề nghị gửi đến Hội đồng xét xử và các cơ quan cấp lãnh đạo Trung ương với nội dung “Đề nghị Hội đồng xét xử làm việc khách quan, đúng quy định của pháp luật đưa ra phán xét tránh làm oan sai cho Đỗ Anh Tuấn”.
Theo nội dung Đơn đề nghị của ông Phạm Ngọc Thạo và ông Đinh Văn Tính, sau khi tham dự phiên tòa, các gia đình bị hại nhận thấy Đỗ Anh Tuấn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là “không có cơ sở căn cứ, có thể oan sai”.
Ông Tính và ông Thạo cho rằng phần xét hỏi tại phiên tòa đã làm rõ các diễn biến hành vi của Đỗ Anh Tuấn, là đại diện Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình thuê máy chạy thận. Máy của hãng FMC hiện đại hàng đầu thế giới và chạy ổn định 8 năm qua. Kết luận giám định cũng chỉ rõ máy chạy thận tại thời điểm xảy ra sự cố là đảm bảo. Phần tranh luận các luật sư đã làm rõ không có sự liên doanh liên kết về thực hiện nhiệm vụ công vụ như Viện Kiểm sát truy tố.
Dưới góc độ của một người dân, người nhà nạn nhân, ông Đinh Văn Tính và ông Phạm Ngọc Thạo cho hay: “Thái độ của Đỗ Anh Tuấn là đúng mực và nhân văn kể từ khi vụ việc xảy ra. Đỗ Anh Tuấn cũng là người đã đóng góp nhất định cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có kỹ thuật chạy thận để thân nhân chúng tôi không phải đi Hà Nội chạy thận vất vả và tốn kém”.
|
Đơn kiến nghị của ông Đinh Văn Tính, bố đẻ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng. |
Cũng tại phần tranh luận của phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Bùi Thị Rấm là ông Nguyễn Hữu Doan - Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh hòa Bình - đã rút lại yêu cầu Công ty Thiên Sơn bồi thường với lý do “Không có cơ sở để cho rằng Công ty Thiên Sơn liên danh liên kết với Bệnh viện” (trước đó tại phần hỏi trong phiên tòa ông Doan đã đề nghị Công ty Thiên Sơn phải cùng với Bệnh viện bồi thường).
Được biết, ngay sau khi kết thúc xét xử và chuyển sang phần nghị án, 3 luật sư của Đỗ Anh Tuấn đã có Bản kiến nghị khẩn cấp gửi tới Hội đồng xét xử và các Cơ quan pháp luật có thẩm quyền liên quan đề nghị xem xét việc Truy tố có dấu hiệu oan sai đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử (10 ngày) tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Anh Tuấn và các luật sư đã đưa ra các bằng chứng cụ thể, viện dẫn các quy định pháp luật để chứng minh Công ty Thiên Sơn không có lỗi trong thảm họa y tế ngày 29/5/2017 và Đỗ Anh Tuấn không phải là chủ thể của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật hình sự 1999.
Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm soát lại cho rằng: “Công ty Thiên Sơn cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê 05 máy chạy thận. Theo đó, Công ty Thiên Sơn đang thực hiện nhiệm vụ công cùng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là khám chữa bệnh cho nhân dân. Đỗ Anh Tuấn là Giám đốc Công ty Thiên Sơn, là người ký hợp đồng và chỉ đạo thực hiện hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, vì vậy Tuấn thực hiện nhiệm vụ của Công ty Thiên Sơn với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Đinh Hương cũng tranh luận gay gắt tại phiên tòa rằng: “Nếu kết tội Đỗ Anh Tuấn không chỉ có oan sai mà còn gây ảnh hưởng lớn tới đường lối của Đảng, Chính sách của Nhà nước trong chủ trương xã hội hóa nói chung và chính sách xã hội hóa của Bộ Y tế phục vụ công tác khám chữa bênh cho nhân dân nói riêng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp đang thực hiện xã hội hóa sẽ hoang mang tột độ khi các Bệnh viện hoặc nhân viên y tế có sai phạm gây hậu quả chết người”.
Ba luật sư của bị cáo Đỗ Anh Tuấn đã khẳng định trước tòa trong phần bào chữa của mình “Nếu bị cáo Đỗ Anh Tuấn bị tuyên có tội thì chúng tôi sẽ kháng cáo và theo đuổi vụ án này đến cùng vì Đỗ Anh Tuấn không có tội”.