Sau tranh cãi với Tổng Kiểm toán, Bộ trưởng Tài chính quyết định sửa đổi
- 14:03 24-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trên diễn đàn Quốc hội tháng 11/2018, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có những tranh luận liên quan đến Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước tại dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi).
Cụ thể, điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế, có khoản quy định: "Nếu kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.
Sau đó, một số điều khoản khác quy định, nếu sau khi thanh tra, “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Vụ Kiểm toán Nhà nước kết luận truy thu thuế của Sabeco và Unilever vẫn đang chưa nhận được sự thống nhất. |
Quy định này khác hẳn với hiện hành, khi mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước là độc lập và yêu cầu bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không cần tiến hành kiểm tra, thanh tra lại.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn: “Tôi không hiểu vì sao ở dự thảo chính thức lại thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước như là bị đẩy ra. Thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán như vậy là chưa thận trọng, chưa toàn diện cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn”.
Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng quy định như khoản 2 điều 21 và khoản 2 điều 22 là chưa phù hợp và đề nghị quy định theo hướng: Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung do Kiểm toán Nhà nước ban hành; đối với thanh tra nhà nước đề nghị nghiên cứu sửa đổi thống nhất như đối với Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, có ý kiến cho rằng trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan thuế và cơ quan kiểm toán nhà nước thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Trường hợp khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan thanh tra và cơ quan khác thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có sự tiếp thu và giải trình làm rõ nội dung này.
Theo đó, Bộ Tài chính sửa đổi Điều 21 và Điều 22. Theo đó, điều 21 được sửa theo hướng: Trong trường hợp cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra nhà nước trực tiếp kiểm toán, thanh tra nghĩa vụ nộp ngân sách của người nộp thuế theo quy định của pháp luật thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra ban hành kết luận kiểm toán và kết luận thanh tra. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra nhà nước.
Trong trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước không trực tiếp kiểm toán hoặc thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán và thanh tra tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kết luận liên quan đến nghĩa vụ thuế phải nộp thì Kiểm toán Nhà nước và thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
“Nếu người nộp thuế và cơ quan có liên quan không thống nhất với kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra nhà nước thì Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đối với kết luận của Thanh tra Nhà nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đối với kết luận của Kiểm toán Nhà nước”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước khi góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế cũng đề nghị bỏ quy định này vì “không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015”.
“Như vậy, nếu quy định như khoản 2 điều này là không phù hợp với vai trò Hiến định độc lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, trái với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán Nhà nước”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.