Quân đội TQ chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân với mô phỏng ICBM
- 10:20 24-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tiết lộ đợt huấn luyện mô phỏng tấn công hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) diễn ra bên trong hầm ngầm được bảo vệ kiên cố. CCTV không cho biết thời gian và địa điểm diễn ra đợt diễn tập.
Cuộc mô phỏng tấn công hạt nhân vào kẻ thù tưởng tượng, được thiết kế để cải thiện khả năng phản công của quân đội Trung Quốc trong tình huống xảy ra chiến tranh. Nhiều ICBM của Trung Quốc được lưu trữ trong các boong-ke chiến lược và được bảo vệ kiên cố.
Trung Quốc sở hữu nhiều loại ICBM phóng từ silo cố định trong lòng đất, xe phóng cơ động và tàu ngầm. Bắc Kinh đã thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới vào tháng 11/2018. Trung Quốc dự kiến tiết lộ ICBM di động DF-41 bí ẩn vào cuối năm.
Những động thái này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường năng lực răn đe hạt nhân, trong bối cảnh Nga và Mỹ đang tìm cách hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa di động DF-31B của Trung Quốc trong một đợt diễu hành quân sự. Ảnh: SCMP. |
Ngoài đợt mô phỏng tấn công hạt nhân bằng ICBM, các binh sĩ đồn trú trong các boong-ke kiên cố dùng để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng tiến hành huấn luyện sinh tồn dài hạn trong môi trường khép kín.
Kiến trúc sư trưởng của các boong-ke chiến lược Trung Quốc là Qian Qihu, người gần đây được vinh danh với những thành tựu liên quan đến “vạn lý trường thành thép ngầm” để lưu trữ vũ khí chiến lược của Trung Quốc. Các boong ke chiến lược được xây dựng như tuyến phòng thủ cuối cùng, khi các hệ thống phòng thủ khác thất bại.
Các boong-ke này được cho là có thể chịu được vụ va chạm trực diện của máy bay chở khách cỡ lớn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của truyền thông Trung Quốc, Qian nhấn mạnh sự cần thiết phải phòng thủ chặt chẽ hơn để chống lại các mối đe dọa đang phát triển.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa bí ẩn được cho là DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: Top.81.cn. |
Theo ông Qian, việc xây dựng chiếc khiên phải đi kèm với việc mài sắc mũi giáo. “Kỹ thuật phòng thủ của chúng ta phải phát triển song song với vũ khí tấn công để đáp ứng những thách thức mới”, ông Qian nói.
Quân đội Trung Quốc đã trải qua 3 lần nâng cấp vũ khí tấn công chiến lược trong 60 năm qua. Các ICBM của Trung Quốc hiện có tầm bắn xa, chính xác và mạnh hơn, CCTV đưa tin. Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết các ICBM chiến lược của Trung Quốc gồm DF-5, DF-31 và sắp tới là DF-41.
Các ICBM trên đều có thể tấn công mục tiêu với tầm bắn trên 10.000 km, có thể mang một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân. Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết một ICBM mang theo đầu đạn hạt nhân có thể sẽ không bao giờ được sử dụng trong thực chiến, vì điều đó sẽ tạo ra cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Mục tiêu chính của vũ khí hạt nhân là để răn đe, tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận chính trị và ngoại giao.