Trung tâm thực hành 32 tỉ của Trường đại học Vinh hoang phế vì bỏ không
- 11:01 22-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân địa phương bức xúc vì hơn 9ha đất không được sử dụng hiệu quả gây lãng phí. Không những thế, nước thải từ hồ nuôi tôm trong trung tâm này xả ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Vinh tại xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - Ảnh: Quang Cường |
Theo phản ánh của người dân xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), phóng viên báo Một Thế Giới đã đến thôn Trường Vĩnh thuộc xã này để tìm hiểu về thực trạng Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản của Trường đại học Vinh.
Trung tâm thực hành này có 5 dãy nhà, gồm 1 dãy nhà hành chính 2 tầng và 4 dãy nhà trệt là nhà chức năng. Khi phóng viên có mặt tại đây, cổng chính của trung tâm này được khóa và buộc thêm dây xích sắt có dấu hiệu lâu ngày không được mở, đã bị hoen rỉ. Phòng bảo vệ sát ngay bên cổng bị mất cửa, kính chắn gió bị vỡ, cỏ dại mọc vào quá bậc thềm, bên trong không có vật dụng nào ngoài bụi và rác.
Khắp khuôn viên của trung tâm này đã bị bao phủ bởi nhiều loại cỏ dại um tùm. Có loại cây thân dây đã vươn vào một số phòng chức năng bị bỏ không, lâu ngày không có người dọn dẹp.
Khu vực hồ thực hành nuôi trồng thủy sản có nhiều diện tích cũng bị bỏ không. Hiện tại có vài người đang nuôi tôm trong một số hồ mà theo người dân tại đây thì đó là người của một đơn vị bên ngoài vào thuê hồ để sản xuất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Vinh được xây dựng từ năm 2008 với kinh phí 32 tỉ đồng từ nguồn vốn của Bộ NN-PTNT. Đến tháng 9.2010 thì trung tâm thực hành này được đưa vào sử dụng.
Trước đó, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định về việc giao đất vào mục đích sử dụng phi nông nghiệp, giao hơn 9ha đất cho Trường đại học Vinh để xây dựng trung tâm thực hành này.
Mục tiêu xây dựng dự án này là nghiên cứu phát triển nguồn giống tôm, cá cho khu vực bắc miền Trung và phục vụ thực nghiệm, thực hành, thực tập rèn nghề, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản cho sinh viên, học viên.
Cổng vào Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Vinh tại xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) |
Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, ông Nguyễn Hồng Soa, Trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường đại học Vinh cho biết hiện chưa có báo cáo cụ thể từ cán bộ quản lý trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Trường.
Tuy nhiên, ông Soa không phủ nhận việc trung tâm thực hành nói trên đang bị hoang phế và lãng phí. Còn về việc người dân phản ánh có đơn vị bên ngoài vào thuê đất để nuôi tôm, ông Soa cũng thừa nhận hiện có một công ty đang thực hiện nuôi tôm trong khuôn viên trung tâm thực hành, nhưng họ hợp tác theo hình thức nào thì phải chờ báo cáo cụ thể từ cán bộ quản lý trung tâm mới có trả lời chi tiết cho phóng viên.
Dưới đây là hình ảnh phóng viên báo Một Thế Giới ghi lại tại Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Vinh tại xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh):
Cổng chính bị khóa và buộc cố định thêm dây xích sắt lâu ngày đã bị hoen rỉ |
|
|
Phòng bảo vệ nằm sát cổng chính bị mất cửa, kính chắn gió bị vỡ, bên trong đầy rác |
Khuôn viên không có người chăm sóc nên nhiều loại cỏ dại mọc um tùm |
Dụng cụ lao động bị vứt chỏng chơ trong khuôn viên, đã hư hỏng |
|
|
Phòng thực hành ở tầng 1 dãy nhà 2 tầng bị vỡ kính, bên trong bỏ không, một số vật dụng đã hư hỏng nằm chỏng chơ |
Có phòng đã bị khóa từ lâu, ổ khóa bị rỉ sét ăn mòn |
|
Nơi chứa vật tư, thiết bị |
|
Một nhà chức năng bị hỏng cửa, đang được khóa tạm bợ, cây dại mọc phủ kín bậc thềm |
|
Nhà thí nghiệm bỏ toang hoang, cây dây leo phủ cả thềm và bò vào tận trong phòng |
|
Khu vực hồ nước mặn đang được một đơn vị không thuộc Trường đại học Vinh nuôi tôm. Bên cạnh đó cũng có nhiều hồ bị bỏ hoang |
Nước từ khu vực nuôi tôm bên trong trung tâm có màu đen, bốc mùi hôi thối chảy theo đường ống ra cửa cống... |
... qua thân đê chắn sóng... |
...rồi chảy thằng ra biển |
Loại nước màu đen này khiến cỏ cũng không sống nổi |