Quý ông nôn ra cả vũng máu vì loại đồ uống triệu người mê mẩn
- 10:26 22-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Hà Văn Cảnh, 63 tuổi, ở Tân Sơn, Phú Thọ có tiền sử nghiện rượu nặng nhiều năm. Bỗng một ngày khi ngủ dậy, ông bất ngờ nôn ra máu liên tục, đi ngoài phân đen số lượng lớn.
Gia đình khẩn cấp đưa ông đến BV đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày do nghiện rượu nhiều năm.
Sau khi điều trị tại đơn vị Hồi sức cấp cứu 3 ngày, ông Cảnh đột ngột xuất hiện nôn ra máu với số lượng lớn do búi giãn tĩnh mạch vỡ lại. Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt xuống còn 50/30 mmHg.
Bác sĩ dùng phương pháp TIPS can thiệp đặt stent cho bệnh nhân |
Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức, truyền dịch, truyền máu cấp cứu. 10 đơn vị máu được truyền liên tục nhưng huyết áp chỉ lên được mức 80mmHg, tiên lượng rất xấu.
Hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ quyết định làm thủ thuật can thiệp tạo luồng thông cửa - chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh (TIPS). Sau hơn 1 giờ, ekip can thiệp của khoa Chẩn đoán hình ảnh đã cầm máu thành công và đặt stent cho bệh nhân.
Sau can thiệp, ông Cảnh ổn định, huyết áp trở về bình thường, huyết động cải thiện ăn uống tốt và được xuất viện. Sau theo dõi 4 tháng, người bệnh đã hoàn toàn khỏe mạnh, không bị xuất huyết tiêu hóa tái phát nữa.
Trực tiếp can thiệp cho người bệnh, BS Trần Quang Lục cho biết, trường hợp ông Cảnh diễn biến rất nặng, đã bị shock mất máu, các bác sĩ phải vừa tiến hành can thiệp cấp cứu vừa hồi sức để nâng huyết áp.
Đối với trường hợp này, nếu không có phương án can thiệp sớm thì nguy cơ tử vong rất cao.
Ngoài trường hợp bệnh nhân Cảnh, còn có nhiều trường hợp xuất huyết tiêu hóa khác được BV đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị thành công bằng phương pháp TIPS, các bệnh nhân sau điều trị cho đến nay chưa bị xuất huyết tiêu hóa trở lại.
Bệnh nhân hồi phục tốt, không tái phát xuất huyết tiêu hoá |
TIPS là phương pháp can thiệp nội mạch, xâm lấn tối thiểu, không phải phẫu thuật, giúp giảm các biến chứng cũng như là hồi phục nhanh sau can thiệp, chính thức áp dụng tại Việt Nam từ 2009
Đây được xem là “cứu cánh” cho các bệnh nhân chảy máu tiêu hoá và là phương pháp có thể điều trị dự phòng chảy máu tiêu hóa hoặc điều trị cấp cứu chảy máu tiêu hóa do vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch dạ dày mà điều trị nội khoa hoặc nội soi không hiệu quả.
Phương pháp này có thể áp dụng cho người bệnh đã thắt tĩnh mạch thực quản nhiều lần mà vẫn chảy máu tái phát hoặc một số trường hợp không thể điều trị thắt tĩnh mạch bằng nội soi được.
Theo BS Lục, xuất huyết tiêu hóa do vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch dạ dày là biến chứng nặng của xơ gan, tỉ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 30 - 50%.
Thậm chí, nhiều người bệnh bị nôn ra máu quá nhiều, chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong, hoặc có trường hợp vào bệnh viện rồi, được truyền rất nhiều máu và điều trị bằng nội soi cũng không qua khỏi do không thể cầm được máu.