Công ty cổ phần Bao bì quốc tế ECO: Khốn đốn vì không có đường vào nhà máy
- 14:31 20-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hạ tầng giao thông dở dang đang là rào cản lớn đối với hoạt động của Công ty ECO. Ảnh: H.T |
Nỗi khổ của nhà đầu tư đầu tiên vào khu công nghiệp
Dự án Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu của Công ty cổ phần Bao bì quốc tế ECO được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 24/6/2017, với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Đây là dự đầu tiên đăng ký triển khai ở Khu công nghiệp Thọ Lộc (xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).
Ngay sau khi được chấp thuận đầu tư, ECO đã gấp rút hoàn thiện các thủ tục, triển khai thi công các hạng mục để đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ cam kết. Dự kiến, sau khi hoàn thành và sản xuất ổn định, nhà máy sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của Nghệ An, đồng thời tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương.
Tuy nhiên, dự án tiên phong này liên tục gặp khó khăn, vướng mắc ngay từ khi bắt tay thực hiện. Khó khăn đầu tiên mà ECO gặp phải là dù đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam có nhiều chính sách ưu đãi theo quyết định của Chính phủ, nhưng dự án của ECO chưa được UBND tỉnh Nghệ An đưa vào danh mục các dự án được Nhà nước thu hồi đất trình HĐND tỉnh thông qua. Do đó, để triển khai thực hiện, ECO buộc phải tự bỏ tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân và nộp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất với chi phí tổng cộng 7,5 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khó khăn thứ hai là con đường vào nhà máy thi công dở dang rồi bị treo từ nhiều năm nay, gây khó khăn cho hoạt động của Dự án. Mặc dù thời gian qua, ECO liên tục gửi công văn đề nghị tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan hỗ trợ tháo gỡ, nhưng vẫn vướng mắc ở điểm giao cắt đường N2 với đường sắt Bắc - Nam.
Đường N2 dở dang vì thiếu vốn
Tuyến đường N2 nối từ Quốc lộ 1A vào Khu công nghiệp Thọ Lộc được phê duyệt từ năm 2008 và UBND tỉnh Nghệ An giao Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 5,6 km, tổng mức đầu tư giai đoạn I là 405 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, giai đoạn I khởi công vào tháng 12/2009 và hoàn thành vào tháng 8/2011. Sang giai đoạn II sẽ khảo sát thiết kế xây dựng cầu vượt đường bộ qua đường sắt Bắc - Nam và đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Đã bước sang năm 2019, nhưng giai đoạn I của Dự án vẫn chưa hoàn thành. Sau khi thực hiện xong phần nền, móng, mặt đường và thảm bê tông nhựa hạt trung thì nhà thầu là Công ty xây dựng Xuân Trường dừng thi công vì chủ đầu tư không có kinh phí giải ngân. Đồng thời, nhà thầu cũng cho dựng biển báo cấm các phương tiện giao thông đi lại, vì công trình chưa được nghiệm thu và bàn giao. Vấn đề này khiến Dự án Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty cổ phần Bao bì quốc tế ECO đang triển khai tại Khu công nghiệp Thọ Lộc bị ảnh hưởng nặng nề, vì đường N2 là tuyến đường độc đạo đến dự án này. Trước tình hình đó, nhà đầu tư phải kiến nghị với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam can thiệp.
Trước đó, ngày 16/8/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức kiểm tra hiện trường và làm việc với các bên liên quan, thống nhất với Công ty Xuân Trường để tạo điều kiện cho xe, các phương tiện của Công ty ECO được lưu thông trên tuyến đường N2, nhưng Công ty ECO phải cam kết sửa chữa nếu đường bị hư hỏng. Đồng thời, các bên cũng cam kết phối hợp với các ban, ngành chức năng cấm tuyệt đối các xe, phương tiện không phải của Công ty ECO lưu thông trên đường N2 chưa hoàn thiện.
Mỗi tháng ECO phải trả hàng chục triệu đồng để vào nhà máy
Tháo gỡ được vấn đề với nhà thầu tuyến đường, nhà đầu tư ECO lại vướng phải điểm giao cắt đường N2 với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại km 289+515.4 (lý trình đường sắt). Nguyên nhân là năm 2008, khi Dự án đường N2 được phê duyệt, điểm giao cắt với đường sắt này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thành lập đường ngang cấp I có thời hạn và thời hạn đó đã hết vào ngày 31/12/2015, nên phải đóng lại.
Điều 17, Luật Đường sắt; Điều 11, Nghị định số 65/2018 NĐ-CP của Chính phủ quy định: chủ đầu tư công trình xây dựng mới có trách nhiệm đầu tư xây dựng thành nút giao khác mức đối với đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên, đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị. Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn nghiên cứu thiết kế nút giao thông tại km 89+515.4 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM theo phương án xây dựng cầu đường bộ vượt đường sắt hoặc hầm chui. - Công văn của Bộ Giao thông - Vận tải trả lời đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An về việc xem xét tiếp tục chấp thuận cho thành lập đường ngang nội bộ có thời hạn |
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư ECO, ngày 21/9/2018, UBND tỉnh Nghệ An có công văn gửi Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị xem xét tiếp tục chấp thuận cho thành lập đường ngang nội bộ có thời hạn, UBND tỉnh Nghệ An cam kết đầu tư kinh phí 5 tỷ đồng xây dựng trạm phòng vệ bằng cảnh báo tự động tại đây. Thế nhưng, ngày 13/11/2018, Bộ Giao thông - Vận tải đã có công văn trả lời rằng, trong trường hợp này phải xây dựng cầu đường bộ vượt đường sắt hoặc hầm chui.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của Nghệ An hết sức hạn hẹp và rất nhiều dự án quan trọng khác của tỉnh cũng đang thiếu vốn trầm trọng, nên ngay cả giai đoạn I tuyến đường N2 vẫn chưa bố trí được kinh phí để hoàn thành, thì việc thu xếp hàng trăm tỷ đồng làm cầu vượt theo đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải trong thời điểm này là điều không thể.
Trước hoàn cảnh đó, ECO phải làm việc với Công ty cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh xin mở lối đi tạm thời qua nút giao này để đảm bảo cho hoạt động của Dự án Nhà máy sản xuất bao bì không bị đình trệ. Từ đầu tháng 8/2018 đến nay, mỗi tháng một lần, Công ty cổ phần Bao bì quốc tế ECO phải làm việc với Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh để xin gia hạn thời gian mở lối đi tạm.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, để đảm bảo an toàn, ECO phải chi trả kinh phí để Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh sửa chữa lối đi và cử nhân viên thường trực cảnh giới từ 7h30 đến 16h30 hàng ngày ở lối đi tạm này, với tổng chi phí 50 triệu đồng/tháng (mới đây giảm xuống 32,5 triệu đồng/tháng).
Không thể để doanh nghiệp phải chịu những chi phí không đáng có
Ông Trần Viết Hữu, Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì quốc tế ECO mệt mỏi nói: “Khi khảo sát lập dự án đầu tư, xem bản quy hoạch thiết kế đã được phê duyệt của tỉnh Nghệ An, thấy Khu công nghiệp Thọ Lộc có vị trí phù hợp và tin tưởng tuyến đường N2 đang thi công sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, thuận tiện cho hoạt động của Dự án, nên chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy. Không ngờ nhà máy xây dựng gần xong, đã bắt đầu bước vào hoạt động sản xuất mà đường làm vẫn dang dở, chưa biết lúc nào hoàn thành, khiến Công ty rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, phải gánh chịu những chi phí không đáng có. Hơn nữa, thực tế hàng ngày không chỉ xe của ECO qua lại, mà các phương tiện của người dân trong vùng và các đơn vị khác cũng thường xuyên lưu thông, trong khi ECO phải trả tiền và nếu xảy ra hư hỏng thì ECO phải chịu trách nhiệm”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Đăng Khánh, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Do khó khăn về nguồn vốn, Dự án đường N2 giai đoạn I mới bố trí được 273/405 tỷ đồng và chưa thi công được bê tông nhựa hạt mịn, nên chưa đủ điều kiện bàn giao đưa vào sử dụng. Để xây dựng cầu vượt tại nút giao với đường sắt này, phải cần thêm kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Chúng tôi biết rõ những khó khăn, vướng mắc của ECO và nhiều lần tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xin thành lập đường ngang nội bộ có thời hạn để giải quyết vấn đề đi lại, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải không đồng ý”.
Cũng theo ông Khánh, sắp tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh để tham mưu xử lý theo hướng: trong thời gian chờ đợi kinh phí đầu tư hoàn thành con đường và xây cầu vượt, tỉnh sẽ hỗ trợ ECO khoản tiền chi phí phải trả hàng tháng cho Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh thực hiện trạm cảnh giới và kinh phí sửa chữa đường nếu xảy ra hư hỏng.
“Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chỉ có chức năng tham mưu, còn được hay không phải chờ ý kiến của Sở Tài chính và quyết định của UBND tỉnh”, ông Khánh cho biết thêm.