Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nơi hàn gắn cho những phụ nữ Việt bị bán sang Trung Quốc

Một hợp tác xã dệt may ở Hà Giang là nơi dạy nghề, tạo thu nhập và hàn gắn vết thương cho những nạn nhân của nạn buôn bán người.

Một cô gái đang làm việc trong hợp tác xã Lùng Tám hôm 28/10/2018. Ảnh: AFP. 

Thao Thi Van mới hai tuổi khi mẹ mất tích lúc đi chợ phiên. Có thể thủ phạm là những kẻ buôn người chuyên bắt cóc phụ nữ H'mong ở miền bắc Việt Nam bán sang Trung Quốc làm cô dâu hoặc làm gái mại dâm, theo AFP.

Van năm nay 13 tuổi, vẫn bị ám ảnh bởi số phận của mẹ, nhưng đã tìm thấy sự an ủi tại một hợp tác xã dệt may dành cho những phụ nữ bị thiệt thòi trong khu vực.

"Em gần như không có bạn ở trường vì chúng nó toàn trêu em không có mẹ. Em rất ghen tị với những đứa có mẹ", cô bé có thân hình nhỏ nhắn tâm sự vào một ngày cuối tháng 10/2018. "Được làm việc ở đây em rất vui vì vừa kiếm được tiền, vừa không có ai trêu chọc".

Cô bé được một phụ nữ trung niên làm việc cùng hợp tác xã chăm sóc. Van nổi tiếng là một thợ thêu lành nghề. Nơi đây sản xuất túi xách bằng sợi gai và khăn lót bàn, lót ly, thú nhồi bông. Thu nhập có thể lên tới 170 USD một tháng, mức lương khá ở tỉnh Hà Giang nghèo khó.

Hàng nghìn phụ nữ Việt Nam bị buôn bán hoặc lừa qua biên giới mỗi năm và tại vùng núi phía bắc xa xôi này, nơi rất gần biên giới Trung Quốc, phụ nữ và trẻ em thường xuyên biến mất khỏi cộng đồng.

Ngành công nghiệp mua bán cô dâu ở Trung Quốc đang bùng nổ do hậu quả của chính sách một con khiến số lượng đàn ông nhiều hơn 30 triệu so với phụ nữ. Một số phụ nữ Việt Nam sẵn lòng sang Trung Quốc lấy chồng, số khác bị bắt cóc hoặc miễn cưỡng kết hôn. Số ít may mắn trốn được về nước sau khi bị ép lấy chồng hay ép làm nô lệ tình dục ở Trung Quốc, phải đối mặt với kỳ thị ở quê nhà và bị người quen xa lánh.

Với mục đích cung cấp cho các nạn nhân này một lối đi mới, một nguồn thu nhập, Vang Thi Mai đã lập ra Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám năm 2001.

"Xã hội có thể không thích họ, nhưng ở đây, họ lấy lại được tự tin", Mai, người phụ nữ mặc áo khoác thêu và váy chàm truyền thống nói.

Hợp tác xã phát triển nhanh và tích cực với với hơn 130 phụ nữ. Họ là nạn nhân buôn bán người, là trẻ mồ côi, là mẹ đơn thân, người lớn tuổi. Họ dệt, nhuộm và khâu vá từ sáng đến tối.

Mai hy vọng công việc này sẽ trao quyền cho phụ nữ H'mong, cộng đồng mà tình dục đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa và là nơi mà đa số phụ nữ chỉ kiếm được vài đôla mỗi tháng nhờ nghề nông.

Nghèo đói là một trong những nguyên nhân khiến nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên biên giới phát triển. Nâng cao thu nhập là một cách để bảo vệ họ tránh khỏi nguy cơ tương tự trong tương lai, đồng thời nâng cao địa vị xã hội.

"Nếu phụ nữ, đặc biệt là các nạn nhân, làm việc cùng nhóm với nhau, họ sẽ mạnh mẽ hơn bằng cách giành quyền đàm phán, tăng cường kiến thức và hòa nhập xã hội", Nguyen Tien Phong, người đứng đầu chương trình phát triển toàn diện của Quỹ phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ.

Đây là loại hình hỗ trợ mà Mai nghĩ tới khi thành lập trung tâm. Ngày nay, nó trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, khách tới đây phải đi xe máy qua cung đường núi uốn lượn. Nhưng Mai cũng có một mục tiêu khác, là gìn giữ phong tục dệt của người H'mong đã tồn tại hàng thế kỷ, truyền thống đang phai nhạt trong nhiều ngôi nhà của người H'mong khi lối sống hiện đại xâm nhập.

Trước đây, các thiếu nữ H'mong chịu khó ngồi học nghề từ mẹ, từ bà thì nay, họ bận rộn học hành ở trường, hay Facebook, hoặc đi chơi với bạn bè. Đa số phụ nữ trong vùng đã thay áo khoác thêu sặc sỡ và váy màu chàm sang những bộ cánh vải polyester xuất xứ Trung Quốc.

"Những giá trị truyền thống và văn hóa của người H'mong ở Việt Nam đang bị xói mòn. Tôi cần khôi phục lại, bằng cách để những phụ nữ lớn tuổi truyền nghề cho thế hệ trẻ", Mai tâm sự.

"Ở đây, chúng tôi làm mọi thứ thủ công để giữ gìn bản sắc truyền thống, mà bản sắc đó là một viên ngọc quý trong văn hóa Việt Nam", Mai nói.