Thủ tướng nhắc trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo Bộ Công Thương
- 13:58 17-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dành nhiều thời gian để nói về hạn chế yếu kém, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vui rằng Bộ Công Thương “hạn chế nhiều hơn cả ưu điểm” tại hội nghị tổng kết bộ này sáng 17/1. Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ thời gian tới của Bộ Công Thương là rất nặng nề, đòi hỏi lãnh đạo bộ phải hết sức nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý để Việt Nam có thể phát triển bứt phá, trở thành “con hổ” của châu Á hay không phụ thuộc phần lớn vào Bộ Công Thương, bởi bộ đang quản lý 2 mảng cơ bản là công nghiệp và thương mại. Ngoài ra, bộ này phải đồng đều ở các tuyến, giống như một đội bóng.
Thủ tướng, Bộ trưởng cũng phải đi bán hàng
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thành công chung của cả nước năm 2018, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành công thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: A.T. |
Thủ tướng nhấn mạnh thành tích xuất siêu và tăng trưởng đạt kỷ lục. Dù Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 12-13 trên thế giới, nhưng nhiều mặt hàng đứng trong nhóm đầu. Điển hình như hàng dệt may xếp thứ 7, da giày đứng thứ 3, điện tử xếp thứ 2, đồ gỗ xếp thứ 4… thế giới.
“Bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp hay một số đồng chí khác đã trực tiếp cùng Thủ tướng đi bán hàng, xúc tiến thương mại… tại nước ngoài. Xúc tiến thương mại cũng chung quy lại là bán hàng. Thủ tướng cũng phải trực tiếp đi làm điều này. Bộ trưởng cũng vậy”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá việc hội nhập kinh tế kinh tế quốc tế đạt được kết quả quan trọng. Ông nhắc lại việ Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng với Bộ trưởng Nhật Bản “cầm đầu” trong nỗ lực nối lại đàm phán CPTPP khi hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam.
Ông cũng nói đến việc Bộ Công Thương đã rất nhanh nhạy trong việc chủ động nắm bắt thời cơ. Điển hình như việc theo dõi tiến trình nước Anh rời EU, qua đó Việt Nam đang sẵn sàng đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với nước này.
Thủ tướng cũng đánh giá cao thị trường trong nước giữ vững và phát triển ổn định. Năm 2018, thương mại nội địa tiếp tục tăng trưởng 2 con số, ở mức 12%.
Về công nghiệp, Thủ tướng đánh giá cao năm 2018 có nhiều doanh nghiệp trong nước vươn lên rất mạnh mẽ, nhiều cơ sở đầu tư mới đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ chiếm 0,2% của thế giới, kém Trung Quốc 100 lần, kém Thái Lan 5 lần. Do đó cần phải cải thiện.
Quản lý thị trường làm việc không tốt
Ngoài những ưu điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành công thương cũng còn rất nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém.
“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại khuyết điểm, thậm chí còn nhiều hơn ưu điểm”, ông nói.
Thứ nhất, Thủ tướng chỉ ra Bộ Công Thương chưa chủ động lập, điều chỉnh một số quy hoạch ngành công thương, một số quy hoạch triển khai chậm.
Thứ hai, ngành công nghiệp chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, nội lực yếu, công nghệ lạc hâu. Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn dẫn dắt, ngành công nghiệp ưu tiên chưa đạt đạt yêu cầu.
Thủ tướng cho rằng lực lượng quản lý thị trường chưa làm tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: Lê Quân. |
Ông nhấn mạnh công nghiệp thông minh, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ ba, mức độ liên kết các doanh nghiệp cùng ngành, nhiều ngành hạn chế, chưa có kiên kết, nhất là lĩnh vực chuyên môn hóa sâu phù hợp cơ chế thị trường.
Thứ tư, tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập. Ông cho rằng nội thương, hệ thống bán lẻ cần cải thiện, không để rơi vào tay ngươi khác, cần nâng cao sức mạnh bên trong.
Thủ tướng thẳng thắn cho rằng quản lý thị trường làm công tác chống hàng giá chưa tốt, khiến người dân còn kêu ca. Ông yêu cầu Bộ Công Thương cần chấn chỉnh điều này. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lực lượng quản lý thị trường cản trợ sự lưu thông hàng hóa.
Năm là, công tác quản lý môi trường ngành công thương đã có những bước cải tiến song vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Sáu là, việc triển khai thực hiện một số hiệp định thương mại tự do vẫn còn chưa thực sự đến được các doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhấn mạnh lực lượng tham tán thương mại ờ nước ngoài phải coi trọng phát triển thị trường, đầu tư.
“Tôi từng nói với ông tham tán là làm việc nước trước, sau đó làm việc nhà, đừng có kết hợp cho trẻ con đi học là không được đâu", ông nói.
Bộ Công Thương phải như đội bóng đồng đều các tuyến
Bộ Công Thương với thành tích đạt được không được chủ quan thỏa mãn. Ông cũng đặt câu hỏi Bộ Công Thương đã xác định năm 2019 bứt phá ở đâu và nhấn mạnh Việt Nam có thể phát triển được thành con rồng, con hổ châu Á hay không là nhờ rất lớn ở sự nỗ lực của Bộ Công Thương. Qua đó ông lưu ý một số nhiệm vụ.
Ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán. Phải nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp.
Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương cần thực hiện tốt việc nêu gương trong hoạt động. Ảnh: Đ.T. |
Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương.
Bộ Công Thương phải đảm bảo điện phục vụ sự phát triển của quốc gia, đừng để nước đến chân mới nhảy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Công Thương cần tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, gắn với phương châm hành động của Chính phủ.
Ông nêu ví dụ Văn phòng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, hay một số đơn vị trong bộ phải chặt chẽ trong quản lý chính đơn vị mình tốt hơn nữa.
Thủ tướng nhắc lại chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam tối 16/1, với sự đồng bộ ở các tuyến. Qua đó nhấn mạnh từng bộ, tỉnh, từng hiệp hội, doanh nghiệp phải có sự phát triển đồng bộ, về cả chuyển dịch cơ cấu, phát triển dịch vụ và thương mại.
“Sự đồng bộ trong sự chỉ đạo phải như một đội bóng đá. Chính phủ tin tưởng rằng toàn ngành công thương chỉ có tiến mà không có lùi”, ông nói.