Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An: Máu rừng vẫn không ngừng chảy

Sự việc một số cán bộ xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) xâm phạm trái phép đất rừng phòng hộ nhưng không được giải quyết dứt điểm đã kéo theo muôn vàn hệ lụy. Nhiều đối tượng đã tát nước theo mưa đua nhau phá rừng để trục lợi…

Xã phớt lờ huyện

Như NNVN đã phản ánh, thời gian qua tại khu vực rừng phòng hộ (RPH) xung yếu đầu nguồn hồ Vực Mấu, thuộc quyền quản lý của BQLRPH Bắc Nghệ An bị người dân đua nhau chặt phá ồ ạt, chuyển đổi sang mục đích khác. Càng bất bình hơn khi biết rằng, trong danh sách những trường hợp vi phạm có cả những cán bộ đang công tác ngay tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu.

 Rừng phòng hộ đầu nguồn Vực Mấu vẫn còn nhiều bất ổn

Cụ thể là trường hợp của ông Dương Đình Phúc, cán bộ văn hóa (tự ý khai thác 1,0 ha rừng trồng phòng hộ tại lô 1, khoảnh 11, tiểu khu 337B); ông Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ tư pháp (dùng máy múc san ủi, cày xới trái phép 2,7 ha tại lô 1, khoảnh 4). Cùng với đó là trường hợp của công dân Đậu Đức Thắng (đào xới 0,2 ha tại lô 3, khoảnh 2), Nguyễn Thị Yến (san ủi 3,5 ha tại lô 1, khoảnh 4).

Với tư cách là đơn vị chủ rừng, ngay khi phát hiện sai phạm phía BQLRPH Bắc Nghệ An đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu và UBND xã Tân Thắng tiến hành lập biên bản, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương các cấp có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật (chủ rừng không có chức năng xử phạt). Tuy nhiên, không biết vì nguyên nhân gì mọi thứ đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 1/11/2018 tại buổi làm việc giữa UBND huyện Quỳnh Lưu và các phòng, ban, đơn vị liên quan, đích thân Phó Chủ tịch huyện Đặng Ngọc Bình đã chỉ đạo: “Khẩn trương hoàn thiện công tác điều tra, xác minh để xử lý theo quy định, đặc biệt đối với trường hợp cán bộ đảng viên vi phạm”.

Quyết liệt là vậy nhưng đến nay mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ, các hộ vẫn ngang nhiên xâm phạm như thể không có chuyện gì xảy ra (?!).

Cán bộ không gương mẫu thực thi ngay lập tức để lại hậu quả, bằng chứng là nhiều công dân tại địa bàn Tân Thắng đang “tát nước theo mưa” cố tình xâm lấn diện tích đất rừng phòng hộ nhằm đạt mục đích riêng. Theo đó, ngày 8/1 vừa qua, trong lúc phối hợp với UBND xã Tân Thắng tiến hành kiểm tra hiện trường tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 335, BQLRPH Bắc Nghệ An phát hiện ông Đào Duy Khánh, trú tại thôn 19/8 đang tự ý khai thác keo trái phép trên diện tích 0,5 ha, khối lượng lâm sản sót lại hiện trường là 3 m3. Qua xác minh, hành vi của ông Khánh vi phạm quy định tại Điều 12, Nghị định 157/2013/NĐ-CP.

 Hành vi phá rừng của ông Đào Duy Khánh ngày 8/1

Cũng tại vị trí trên, ngày 3/1 đơn vị cũng phát giác hành vi san ủi, cày xới, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trồng sắn trên quy mô 1,8 ha của ông Hồ Công Quang, công dân xóm 26/3… Qua tìm hiểu được biết, toàn xã Tân Thắng có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 2.798 ha, trong đó quỹ đất rừng phòng hộ là 1.437,6 ha. Mặc dù huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng nhìn chung còn tồn tại nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của UBND huyện Quỳnh Lưu: “Giai đoạn 2016 - 2018 công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại xã Tân Thắng còn lỏng lẻo. Tình trạng chặt phá rừng, sử dụng sai mục đích có xu hướng gia tăng. Công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện còn chậm, xử lý chưa nghiêm, một số vụ việc triển khai không đồng nhất (cùng vi phạm nhưng có hộ bị xử phạt, có hộ không) nên tính răn đe chưa cao.

Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ đảng viên xã Tân Thắng và người dân chưa cao, cùng với đó việc cơ quan chức năng chưa xác định ranh giới rừng phòng hộ và rừng sản xuất cũng được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi vi phạm”.

Sự việc tại xã Tân Thắng đang tạo ra hiệu ứng dây chuyền lan tỏa sang những địa bàn xung quanh. Gần nhất là trường hợp của ông Nguyễn Khắc Thông (thôn 1, xã Quỳnh Tân) về hành vi khai thác keo trái phép trong địa phận rừng phòng hộ, phía chính quyền xã đã tiến hành xử phạt số tiền… 750.000.000đ. Hành động “giơ cao đánh khẽ” khiến đối tượng được đà lấn tới, hậu quả là quy mô khai thác đã mở rộng đến 1,66 ha.

 Hiện trường phá rừng ngày 14/1 của hộ ông Nguyễn Khắc Thông

Vẽ đường cho hươu chạy

Một nội dung khác liên quan đến diện tích quản lý của BQLRPH Bắc Nghệ An là tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép tại địa bàn xã Quỳnh Yên.

Mọi việc bắt nguồn từ quyết định giao đất “ngược đời” vào năm 2011. Không hiểu các phòng ban chuyên môn tìm hiểu, tham mưu ra sao mà UBND huyện Quỳnh Lưu lại chấp nhận phê duyệt quy hoạch dự án cơ sở dịch vụ thương mại tổng hợp quy mô 3.566,62 m2 cho ông Hồ Năng Đức (trú tại xóm 12, Quỳnh Yên) cũng như cấp luôn diện tích khác ngay sát kề cho hộ ông Hồ Duy Thi (xóm 1, Quỳnh Yên), đáng nói toàn bộ khu vực này là… đất rừng phòng hộ.

Lẽ ra khi phát hiện sai sót huyện Quỳnh Lưu phải sốt sắng triển khai phương án khắc phục. Có điều tình hình thực tế lại diễn tiến theo chiều hướng khác, bởi thế sau 8 năm toàn bộ diện tích nói trên chưa được thu hồi, trái lại còn bị cơi nới, xâm lấn trong sự bất lực của đơn vị chủ quản…

Điều 243 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 m2 đến dưới 7.000 m2 thì bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Nếu phá từ 10.000 m2 trở lên thì phạt tù từ 7 - 15 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cầm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.