Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Siêu xe rớt giá 3-4 tỷ đồng vì đại gia chóng chán

Những chiếc siêu xe BMW i8 long lanh đặt chân về Việt Nam năm 2015 trước sự trầm trồ của giới mộ điệu thì sau 4 năm, sự quan tâm không còn nữa, giá rớt 3-4 tỷ vì đại gia Việt Nam chóng chán.

Với mức giá hiện nay, siêu xe BMW i8 cũ chỉ tương đương giá Toyota Land Cruiser 200.

Về thị trường Việt Nam vào giữa năm 2015 và được sự đón chào nồng nhiệt từ các tín đồ siêu xe, BMW i8 một thời đã từng trở thành chuẩn mực mới cho giới chơi xe. Nhưng sau 4 năm, từ chỗ giá xe lăn bánh khoảng hơn 9 tỷ đồng, nay chỉ trên dưới 4 tỷ là có thể mua lại. Câu hỏi phải chăng trào lưu của chiếc xe này đã hết hay vấn đề nằm ở chính tính năng không phù hợp ở Việt Nam đã tạo ra sự mất giá nhanh đến như vậy?

Đua nhau mua xe

 BMW i8 một thời đã từng trở thành chuẩn mực mới cho giới chơi xe.

Còn nhớ vào mùa hè năm 2015, tức là một năm sau khi BMW bán i8 – chiếc siêu xe thể thao sở hữu công nghệ động cơ thân thiện plug-in hybrid, những chiếc i8 đã sớm tìm về Việt Nam. Cuộc “đua” mua xe ngay lập tức được ghi danh bởi những tay chơi “số má” như thiếu gia Phan Thành, hay Phương Thúy – vợ cũ của Minh Nhựa. Đến cuối năm, giới nhập khẩu ước tính đã có hơn 20 chiếc BMW i8 về nước, phần lớn nằm ở miền Nam, số còn lại cũng được đại gia phía Bắc săn tìm.

Thậm chí độ chịu chơi của các đại gia còn thể hiện ở sự kèn cựa nhau. Không chỉ đặt nhập đủ 4 màu hãng xe xứ Bavaria công bố cho i8 mà một số chủ xe sau đó đã tìm cách dán đề-can màu mới, hoặc sơn sần để tạo sự khác biệt.

Một showroom chuyên xe sang ở Quận 5 cho biết nhiều người sẵn sàng đặt tiền để sớm có xe về, họ cũng không quan tâm dù chiếc BMW i8 sở hữu những công nghệ mới mẻ chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, hay những gara có thể đảm nhiệm việc chăm sóc cho hệ thống động cơ và truyền động đặc biệt của i8.

“Cơn bão” mang tên BMW i8 còn tiếp tục và phải đến cuối năm 2016 mới có dấu hiệu chững lại. Giới kinh doanh ôtô nhận định mẫu xe này dễ bán bởi giá nhập về và lăn bánh không hề đắt, xe lại có thiết kế mang hơi hướng viễn tưởng, bắt mắt. Thậm chí cũng vì thiết kế này mà giới chơi xe trong nước mặc định gọi BMW i8 là siêu xe dù thực tế nó chỉ được xếp hạng xe thể thao hạng sang.

 

Chóng chán thì bán rẻ

Hiện nay, nếu tìm kiếm từ khóa “bán BMW i8” trên mạng xã hội hoặc các trang mua bán, dễ dàng cho ra các kết quả chủ xe hoặc showroom đang rao bán lại xe sau một thời gian sử dụng. Giá bán xe hiện phổ biến trên dưới 4 tỷ đồng. Thậm chí có chiếc đăng ký năm 2015, đang gắn biển siêu đẹp tứ quý 3, giá cũng chỉ 4,2 tỷ đồng. Mức giá này chỉ tương đương dòng SUV cỡ lớn Toyota Land Cruiser 200 sau khi ra biển, dễ với tới của giới nhà giàu tầm trung. Thế nhưng không phải cứ rao bán là có ngay khách, nên mới có chuyện một chiếc BMW i8 rao bán từ năm 2017 với giá 3.xxx tỷ đồng nhưng đến nay vẫn thấy xe trên sàn giao dịch, chỉ khác người bán.

Theo anh Quang Huy, một tay mê cả PKL lẫn siêu xe đang sống ở Đà Nẵng cho rằng BMW i8 sớm “thất sủng” ngay ở khía cạnh thương hiệu. Với những người trong giới chơi xe hay fan hâm mộ siêu xe không thể không nhớ những cái tên như Ferrari, Lamboghini, Koenigsegg, Pagani, Bugati, ... với những đặc tính thể thao riêng biệt, ngôn ngữ thiết kế đặc trưng với các tính năng mang nặng về sức mạnh động cơ đốt trong, được tối ưu hóa bằng các công nghệ tiên tiến và vật liệu chế tạo khung, vỏ siêu chắc và nhẹ. Riêng BMW thì dường như khá quen thuộc trong vai trò xe sang, chứ xe chơi dường như là hiếm thấy.

 

Bên cạnh đó, một chiếc siêu xe thể thao cần những gì, đó là vận tốc, kiểu dáng, tính độc đáo, khả năng độ cũng như giới hạn số lượng. Những yêu cầu này thì BMW có thể đã không thể thỏa mãn được đầy đủ. Chính vì sự hoàn mỹ của chiếc xe đã vô tình tạo ra sự cứng nhắc cho người sở hữu khi mà họ muốn cá nhân hóa, tìm kiếm một hãng độ body kit cho một chiếc bmw i8 có vẻ còn khó hơn việc tìm hãng độ cho một chiếc Ferrari hay Lamboghini (như Liberty Walk, Hamann, Mansory...) do cấu trúc thân xe mới lạ, có vẻ các hãng độ chưa kịp bắt nhịp Vì vậy để thay đổi ngoại thất cho i8 họa chăng chủ xe ở vn chỉ có thể thay đổi một vài chi tiết làm tăng tính khí động học lạ mắt hay đổi màu bằng các loại decan hoặc chờ đợi rất lâu để có được một bộ kit vừa ý.

Hơn nữa, khi đi offline, chiếc BMW i8 dường như chỉ làm nền cho đẹp bên cạnh những cỗ máy đang thể hiện khả năng “gào thét”, “khạc lửa”. Động cơ đốt trong của BMW i8 chỉ là loại 1.5l tăng áp, tối ưu với 3 xy-lanh được bố trí nổ ở 3 chu kỳ khác nhau chỉ có thể cho ra tiếng nổ rời rạc, khó tạo ra tiếng gầm rú của đầy phấn kích của siêu xe. Việc thiếu đi phần ồn ào này có lẽ đã giảm đáng kể cái giá trị gọi là siêu xe của BMW i8.

Còn ở phía nhà kinh doanh, hiện những showroom sẵn sàng nhập bán lại BMW i8 không nhiều, số còn lại là xe dạng ký gửi hoặc các saler kết nối chủ xe rao bán. Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Đăng, showroom Auto 568 đường Láng (Hà Nội) chia sẻ: “Bản chất của những siêu xe, xe độc lạ bao giờ cũng là chi phí ban đầu mua về rất lớn, về sau sẽ giảm dần và giảm mạnh theo thời gian. Đơn giản vì siêu xe chơi theo ý thích, nhưng khấu hao hàng năm lớn, hết thích rồi thì giá ra đi rẻ”. Không phải showroom nào cũng sẵn sàng nhập lại xe dù giá có giảm hơn nửa như trường hợp BMW i8, chỉ ông chủ nào có tiềm lực tài chính hoặc nguồn khách quen nhiều mới chấp nhận bỏ vốn ôm hàng.

Cuối năm 2017, BMW tiếp tục giới thiệu mẫu BMW i8 Roadster với mui trần có công suất lớn hơn, cải thiện nhiều hơn về tính năng, hiệu suất nhưng có vẻ hình dáng và ngôn ngữ thiết kế không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, hiện tại mẫu xe này vẫn vắng bóng ở Việt Nam dù các quốc gia láng giềng như Malaysia, Singapore đã túc tắc bán cho khách. Liệu chăng cái bóng của câu chuyện “cả thèm chóng chán” với BMW i8 mui cứng là lý do khiến giới nhà giàu Việt Nam không còn quan tâm tới chiếc xe đặc biệt này nữa?