12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu: Con đường thoát khỏi 'danh sách đen'
- 08:05 11-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Công Thương đang xây dựng báo cáo đề xuất tiêu chí, quy trình và thủ tục đưa dự án, doanh nghiệp ra khỏi Danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo đó, để đưa các dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Bộ Công Thương đề xuất 5 tiêu chí.
Thứ nhất, về đầu tư: Dự án đã được xác định xong các thủ tục quyết toán dự án hoàn thành và các vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu tại hợp đồng EPC của dự án đã được giải quyết dứt điểm.
Thứ hai, về sản xuất kinh doanh: Dự án có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi từ một năm trở lên, đồng thời phải có phương án sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo.
Cần tiêu chí rõ ràng để đánh giá sự tiến triển của 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương. |
Thứ ba, về tình hình tài chính: Dự án không còn phát sinh nợ quá hạn tại cá tổ chức tín dụng có quan hệ cho vay vốn đối với dự án.
Thứ tư, chấp hành đầy đủ pháp luật về nghĩa vụ thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác
Thứ năm, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được igao trực tiếp cho dự án, doanh nghiệp triển khai theo kế hoạch hành động thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Về quy trình và thủ tục, theo dự thảo: Ban Chỉ đạo Chính phủ ban hành Quyết định của Ban Chỉ đạo về tiêu chí, quy trình và thủ tục đối với các dự án, doanh nghiệp đủ điều kiện để đưa ra khỏi Danh sách dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Các tập đoàn, tổng công ty có dự án, doanh nghiệp căn cứ theo các tiêu chí nêu trên, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xin ý kiến về việc đưa dự án, doanh nghiệp thuộc đơn vị mình ra khỏi danh sách đối với các dự án, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Ban Chỉ đạo.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thẩm định hồ sơ của các dự án, doanh nghiệp; xây dựng Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chính phủ - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xin ý kiến về việc đưa dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách.
Theo Bộ Công Thương: Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và hơn 1 năm thực hiện Đề án xử lý các dự án theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tình hình 12 dự án, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung.
4 nhà máy còn lại từng bước khắc phục khó khăn, điển hình như Nhà máy đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai đều đã giảm lỗ.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại. Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyestes Đình Vũ vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018.
Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, Dự án Nhà máy ản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai Dự án. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.
Bộ Công Thương khẳng định: Việc xử lý các dự án đã đảm bảo thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.