"Quy định cấm ghi hình cán bộ tiếp công dân sẽ gây tranh cãi"
- 07:53 09-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp công dân. Đáng chú ý, trong nội quy này có quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định này sẽ gây tranh cãi, đặt ra dấu hỏi liệu UBND TP Hà Nội có vượt quá thẩm quyền khi đưa ra quy định này. Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh thông Luật - đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, quy định trên sẽ gây nhiều tranh cãi về bởi điều 2 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” do đó những công chức, viên chức làm nhà nước bắt buộc phải hiểu nghĩa vụ và trách nhiệm của mình là vì dân.
Trụ sở UBND TP Hà Nội. (Ảnh: Lao Động) |
Điều 25 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định đầy đủ các quyền tự do cơ bản của công dân, theo đó: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân...
Để thực hiện quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của các cán bộ, viên chức thì việc ghi âm, ghi hình sẽ có tác dụng thu thập chứng cứ, thực hiện quyền giám sát để những người thi hành công vụ có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong việc phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, trong Luật tiếp công dân không có quy định cấm hay hạn chế công dân quay phim, chụp ảnh khi thực hiện thủ tục tiếp công dân. Nên nếu UBND TP.Hà Nội đưa ra quy định này trong nội quy tiếp công dân thì cũng cần có luận giải, giải thích về căn cứ pháp lý trong xây dựng văn bản đối với nội dung này để người dân hiểu và chấp hành.
Những hành vi cấm đoán, hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân phải căn cứ vào các văn bản luật chứ không được quy định bởi những văn bản dưới luật theo nguyên tắc quy định tại khoản 2, điều 14 Hiến pháp 2013.
Nếu không có thiết bị ghi hình thì những hành vi không thực hiện đúng quy định pháp luật sẽ khó có chứng cứ để xử lý, cho dù người vi phạm là cán bộ tiếp công dân hay công dân có mặt tại đây. Điều cần làm là nâng cao năng lực, đạo đức của cán bộ công chức chứ không phải là cấm người dân. Nếu làm đúng thì không việc gì phải sợ công dân ghi hình.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh thông Luật - đoàn Luật sư TP HCM). |
Trước đó, trả lời báo điện tử Infonet, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng “Tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Do đó, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận”.
Về ý kiến này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết quan điểm: "Theo tôi, ý kiến này chưa thỏa đáng. Vì công dân có quyền khiếu nại và tố cáo. Điều này đã được Hiến pháp ghi nhận tại điều 30. Để thực hiện quyền này họ có quyền ghi hình và thu thập chứng cứ. Nghĩa vụ của công chức là làm đúng theo các quy định pháp luật mà nếu đã đúng thì không việc gì phải sợ"./.