Rút ngay 1 tỷ đặt cọc chỉ vì cuồng sắm xe Tết
- 09:31 08-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thích là nhích, chi 1 tỷ đồng đặt xe không thành vấn đề
Có lẽ, con số tiêu thụ tới 500.000 xe, Việt Nam sẽ vượt mặt Philippines về sản xuất và bán ô tô sẽ sớm trở thành hiện thực trong 1 năm tới, bởi sức tăng trưởng của thị trường ngày ngày càng nóng.
Điểm qua vài mẫu xe hot tháng giáp Tết này, các đại lý ô tô dường như khá an nhàn đếm sản lượng và doanh thu. Khách hàng vẫn đổ xô đăng ký mua, bất chấp những điều kiện oái oăm.
“Đại lý chỉ có khoảng 70 xe Hyundai Santa Fe 2019 nhưng danh sách khách đặt đã kín. Hiện chúng tôi có vài suất lẻ nhưng là dành cho khách chấp nhận đặt trước 1 tỷ đồng”, anh P.V.C tại đại lý Hyundai khu vực Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bật mí.
Hyundai Santa Fe 2019 tại Indonesia |
Theo anh C, cách đây 4 - 5 tháng, tiền đặt cọc để mua một chiếc Santa Fe 2019 chỉ khoảng 20 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng. Nhưng các tháng gần đây, đại lý cháy hàng, số tiền đặt cọc tăng vọt kỷ lục đến mức "hét" 1 tỷ vẫn có khách chịu chi.
Tuy nhiên, chiêu trò ép khách cũng tùy thuộc vào cung cầu của từng đại lý. Anh Trần Quang Chiến ở Hải Phòng cho biết, anh "may mắn" hơn vì đại lý chỉ đòi cọc… 700 triệu đồng để lấy xe đúng ngày ra mắt xe tới đây.
Theo nhiều đại lý, giá mẫu Hyundai Santa Fe 2019 sẽ dao động từ 1,1-1,3 tỷ đồng/xe. Khi đó, những vị khách hàng chịu bỏ 1 tỷ đồng có thể được nhận ngay xe trong ngày ra mắt tới đây nhưng cũng có thể phải dự phòng rủi ro giá cao hơn dự kiến nhiều lần.
Trên thực tế, giá xe Santa Fe hiện cũng bị nhiễu loạn thông tin. Theo khách hàng Dương Thanh ở Đông Anh (Hà Nội), đại lý báo giá bản máy dầu 2.2L đặc biệt 1,295 tỷ đồng, nhưng cùng bản này, anh Phạm Dũng ở Tp.HCM cho biết giá đại lý mời ký là 1,45 tỷ đồng.
Cơn sốt sắm xe chơi Tết cũng đang diễn ra sôi động không kém đối với các mẫu xe nhập khẩu như Ford Everest, Toyota Rush, Fortuner hay Honda CR-V. Tình trạng đại lý ép khách hàng kiểu “bán bia kèm lạc” vẫn rất phổ biến, nghĩa là, muốn mua được xe, nhận đúng màu, đúng thời gian thì phải chịu bỏ thêm trên dưới 100 triệu để mua phụ kiện.
Honda CR-V |
Đơn cử như mẫu Toyota Fortuner hiện là chiếc SUV nhập khẩu khá đắt hàng, khiến cho các đại lý tha hồ đòi khách phải bỏ thêm tiền mua phụ kiện. Mức giá "bia kèm lạc" này lên tới 100 triệu đồng với bản 2.8L 2 cầu máy dầu (giá niêm yết 1,354 tỷ đồng).
Ở mẫu xe Toyota Fortuner là Rush, tình trạng bị ép "mua bia kèm lạc” cũng phổ biến với giá phụ kiện kèm theo là 40 triệu đồng. Mẫu Toyota Yaris nhập khẩu Thái Lan cũng có "cơ chế" tương tự nếu muốn có xe giao ngay cho khách kịp đăng ký trước Tết.
Đối với mẫu Ford Everest, giá trị bộ phụ kiện yêu cầu mua thêm trên chiếc SUV này đắt không thua kém đối thủ Toyota Fortuner. Phiên bản Titanium 2.0 AT một cầu có giá niêm yết 1,177 tỷ đồng, khách phải mua thêm phụ kiện 70 triệu đồng. Phiên bản Bi-Turbo 4x4 có giá niêm yết 1,399 tỷ, khách bị buộc thêm 90 triệu đồng phụ kiện đã gồm bảo hiểm thân vỏ.
Tuy nhiên, không phải mẫu xe mới nào cũng rơi vào tình trạng sốt giá như trên. Đơn cử như mẫu xe Mitsubishi Triton 2019 dự kiến sẽ ra mắt thị trường Việt Nam ngày 18/1 tới, không ồn ào trong các giao dịch. "Mức giá tạm tính cho mẫu xe này từ 786 - 877 triệu đồng và khách hàng chỉ cần đặt cọc 10 triệu đồng là có thể được nhận xe từ 25/1 trở ra", Khánh Linh, nhân viên bán hàng của đại lý Mitsubishi Trung Thượng (Hà Nội) cho biết.
Bắt thóp thị hiếu sắm xe chơi Tết, khách Việt dễ bị bắt nạt
Việc khách muốn mua xe trước Tết phải trả thêm chi phí phụ kiện hay thêm tiền không còn là điều quá mới ở thị trường Việt Nam. Cách đây cả chục năm, tình trạng này diễn ra ở xe Toyota lắp rap trong nước và giờ đây năm nào cũng xuất hiện với các hãng xe có sản phẩm đắt hàng.
Mua xe chơi Tết cần có kế hoạch chủ động từ sớm để tránh bị ép giá |
Anh Đinh Văn Tiến, một nhân viên bán hàng tại đại lý Toyota khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Chuyện giá xe tăng hoặc mua kèm phụ kiện có thể gây khó chịu với người lần đầu mua xe, nhưng ở người đã tìm hiểu kỹ, họ dễ chấp nhận hơn”.
Bản thân anh Tiến trước khi bán xe Toyota cũng có thời gian dài kinh doanh xe cũ nên cho rằng thị trường vận hành theo đúng quy luật cung cầu. “Cách đây 2 năm vào thời điểm này, tôi bán Kia Morning Van nhập lướt giá cao hơn thị trường 10 triệu đồng nhưng khách vẫn mua vì loại xe này không còn nhiều”.
Đang ở tình trạng đắn đo không biết có nên lấy chiếc Hyundai Kona sau Tết hay không, anh Hồng Hải (Hà Nội) cho biết đã hỏi nhiều đại lý mà không chỗ nào còn xe lấy ngay. Nếu đặt cọc tiền đăng ký mua bây giờ thì phải ra Tết mới được nhận xe. “Tôi có nhu cầu mua xe lâu rồi, nhưng nay mới gom đủ tiền, định ra đại lý chọn xe mà tới nơi chủ yếu toàn hàng trưng bày, đã có khách đặt trước”, anh Hải kể lại.
Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Anh Bắc, người đã mua chiếc Toyota Fortuner 2018 cho biết: “Mua xe "hot" vào dịp giáp Tết thường sẽ rất khó và tốn kém. Biết rõ điều đó nên tôi đặt kế hoạch mua xe từ đầu năm, lúc xe chưa ra mắt nên không bị chèn ép gì. Và nhờ chủ động từ trước, xe vẫn được giao sớm vào tháng 11 vừa qua".
Theo các nhân viên bán hàng, ô tô là thứ hàng hóa đặc biệt chịu chi phối quy luật cung- cầu rất mạnh. Vì vậy, để tránh những phiền toái bực mình vì bị chèn ép, khách hàng muốn mua xe, nên cố gắng có bài toàn chủ động dài hơn, đặt hàng từ sớm để được đáp ứng nhu cầu tốt hơn.