Công chức không nịnh không trong sáng: Nịnh vợ sếp thì sao?
- 07:45 07-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia thương mại, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, để nhận diện hành vi nịnh bợ, ganh ghét, đố kỵ như Đề án Văn hóa công vụ đề cập trong một cơ quan, đơn vị là rất khó.
Người đứng đầu không thích nịnh nhân viên sẽ không dám nịnh. Ảnh minh họa |
Theo ông Phú, những biểu hiện nịnh bợ, lấy lòng sếp hay biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ... luôn xuất hiện và tồn tại trong thực tế. Tuy nhiên, những hiểu hiện đó khi thì rõ ràng, lúc lại lẩn khuất, ẩn lấp sau những hành vi, động cơ, mục đích khác nhau, rất khó để nhận diện.
Ông Phú lấy ví dụ, nếu hành vi nịnh bợ đó chỉ diễn ra giữa hai người với nhau sẽ rất khó để phát hiện.
"Nịnh bợ sếp có rất nhiều cách, có khi bằng lời nói, cũng có khi lại bằng một món qùa, có khi chỉ bằng một cử chỉ, biểu hiện bằng thái độ, cũng có khi nịnh sếp thông qua nịnh vợ sếp, tặng quà vợ sếp, cũng có khi cả đưa đón, cung phụng vợ sếp... có rất nhiều cách người ta có thể thực hiện để nịnh sếp. Rất khó phát hiện", ông Phú nói.
Vị chuyên gia cho rằng, muốn đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội là xuất phát từ thực tiễn quản lý, sử dụng cán bộ, công chức nhà nước thật hiệu quả thì phải thay đổi từ chính không khí làm việc tại mỗi cơ quan, đơn vị đó.
"Nếu môi trường cơ quan làm việc tốt, cấp trên đối với cấp dưới đàng hoàng, minh bạch thì cấp dưới đối với cấp trên cũng sòng phẳng, đàng hoàng; nhân viên với nhân viên cũng hòa đồng, trách nhiệm. Nếu tất cả cơ quan, đồng nghiệp không ai nịnh bợ sếp thì người có hành vi nịnh bợ sẽ tự bị lộ ra. Ngược lại, tất cả cùng nịnh bợ thì ai phát hiện ai? Ai muốn xử lý ai?
Chuyện văn hóa công sở cũng giống với văn hóa ứng xử của người đi đường vậy, muốn người đi đường không vứt rác bừa bãi thì phải có thùng rác công cộng để người dân không vứt rác ra đường. Nhưng một khi, có thùng rác công cộng mà người dân vẫn vứt rác bừa bãi thì phải có cơ chế xử phạt thật nặng, xử thật nghiêm, xử công khai.", ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, muốn xử phạt một hành vi cần nhận diện được các biểu hiện cụ thể. Ông lấy ví dụ tiếp từ quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, đó là hành vi cụ thể, nhưng quy định đã có xong tới nay vẫn không thể xử phạt được.
Nêu ví dụ như vậy, ông Phú cho biết, việc xử lý những hành vi thuộc về phạm trù văn hóa luôn gắn liền với đạo đức ứng xử, vì thế luôn gặp khó khăn vì nhiều lý do.
"Với một hành vi rất cụ thể như vậy mà còn chưa xử lý được thì việc đưa vào quy định các hành vi mang tính trừu tượng, suy đoán như nịnh bợ, ganh ghét, đố kỵ... không khác nào đang đánh đố các cơ quan thực thi. Khó xử lý và không khả thi.
Cứ nói như vậy nhưng không làm được như vậy, không ai phát hiện được, không phạt được ai", vị chuyên gia thẳng thắn.
Là người làm việc trong lĩnh vực thương mại, ông Phú thừa nhận những biểu hiện cơ hội, tiêu cực, tham nhũng vẫn luôn tồn tại và diễn ra hàng ngày. Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, với tư cách là người đứng đầu cơ quan, ông chỉ có thể bảo đảm về tính chuyên nghiệp, nâng cao nghiệp vụ kinh doanh, buôn bán, giúp doanh nghiệp có lợi chứ không làm thay đổi được bản tính, tư chất đạo đức của một con người, một doanh nghiệp cụ thể.
"Trong phạm vi quản lý, tôi chỉ có thể yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nhiệt tình, chu đáo trong phục vụ khách hàng nhưng tôi không thể bảo đảm các doanh nghiệp không có hành vi gian dối, tuồn hàng gian, hàng giả vào siêu thị được. Đó là đạo đức kinh doanh, được hình hành do nhận thức của mỗi doanh nghiệp, trong từng môi trường làm việc khác nhau. Nếu các siêu thị vẫn còn cách làm kiểu chèn ép, đòi tăng chiết khấu, gây khó khăn trong việc nhập hàng của doanh nghiệp thì rất khó yêu cầu doanh nghiệp phải làm ăn đàng hoàng với siêu thị. Đây là quan hệ qua lại, không ai muốn thiệt", ông Phú nói.
Ông Phú cảnh báo, những biểu hiện nịnh bợ trên thường dễ xảy ra trong các khu vực hành chính nhà nước, những cơ quan liên quan trực tiếp tới các vấn đề giải quyết với dân như thuế, xuất nhập khẩu, hải quan... tức là khu vự nào có nhiều "rác", nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng... thì sẽ có nhiều người muốn nịnh bợ.
Theo ông Phú, bản thân hành vi nịnh bợ là luôn có mục đích, động cơ, ý đồ khác ngoài công việc thì người ta mới phải nịnh bợ sếp. Ví dụ, nịnh sếp để được lợi cho cá nhân, để thuận tiện trong công việc, nịnh sếp để được nâng đỡ, cất nhắc, đề bạt thăng chức, tăng lương... như vậy thì nịnh bợ đã là biểu hiện của hành vi không trong sáng cần phải tỉnh táo nhận diện mà tránh.
Qua câu chuyện trên, vị chuyên gia muốn đề cập tới câu chuyện thực tế mà dư luận đang ồn ào thời gian gần đây, đó là chuyện một xe công vào tận sân bay để đón người nhà của lãnh đạo. Ông Phú chỉ thẳng, đó là biểu hiện của hành vi "nịnh bợ". Nhắc lại câu chuyện trên, ông Phú cho rằng, "có cầu" mới "có cung", nếu người lãnh đạo không muốn được nịnh, không thích nịnh, cứng rắn, rõ ràng, cương quyết ngay từ đầu sẽ không có chuyện nhân viên nịnh được sếp.
"Người cán bộ, lãnh đạo thích nịnh, muốn được nịnh bợ, tâng bốc thì rõ ràng sẽ có nhân viên nịnh bợ. Đó là những biểu hiện phù phiếm dễ gây ảo tưởng, rất nguy hiểm", ông Phú nói.
"Tôi nhấn mạnh, quan trọng là người đứng đầu. Người lãnh đạo phải có trí tuệ, công minh giữa các bộ phận, giữa các cá nhân, làm ăn trong sáng, minh bạch, không có tham nhũng, tiêu cực. Nếu có nhân viên tặng xe, tặng quà phải kiên quyết từ chối như thế tặng một lần, hai lần không được thì sau người ta sẽ không tặng nữa. Nhưng ngược lại, nếu, ậm ừ kiểu nước đôi, anh muốn làm gì thì làm thì khi được lợi họ lại tiếp tục nịnh bợ.
Nếu người lãnh đạo quang minh, chính đại, cương quyết, gương mẫu, tạo một nề nếp lành mạnh ngay từ đầu sẽ giúp hạn chế các hành vi nịnh bợ, nhân viên muốn cũng không dám nịnh bợ sếp nữa", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, tư chất của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan có vai trò rất quan trọng nhằm tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được việc này, để làm được việc này ngoài tài năng, trí tuệ, còn đòi hỏi ở người lãnh đạo có bản lĩnh, dũng cảm dám đương đầu với thử thách. Bởi thực tế, những câu chuyện sếp quá thẳng thắn, trong sáng, quá minh bạch lại dễ bị cô lập, rất khó sống.