Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đại gia Xuân Trường: 'Ồn ào' các siêu dự án tâm linh chục ngàn tỷ

Sau danh thắng Tràng An – Bái Đính được công nhận di sản, đại gia Xuân Trường tiếp tục khởi xướng những “siêu dự án” hàng chục ngàn tỷ...

Tham vọng “siêu dự án”

Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính được Unesco công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đại gia Xuân Trường (Ninh Bình) tiếp tục khởi xướng các “siêu dự án” hàng chục ngàn tỷ về tâm linh: khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam); khu sinh thái Hồ Núi Cốc hàng chục ngàn tỷ…

Siêu dự án khu sinh thái Cái Tráp (Hải Phòng) 

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha thuộc địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía đông nam. Bao quanh quần thể là vùng đệm có diện tích 6.268ha, chủ yếu là đồng ruộng và làng mạc.

Song song với việc đầu tư xây dựng khu danh thắng Tràng An – Bái Đính, năm 2006, dự án Khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao tại Hà Nam được khởi động với tổng đầu tư 11.000 tỷ đồng.

Với diện tích lên đến 5.1000ha, khu du lịch Tam Chúc bao gồm các khu chức năng như khu lòng hồ Tam Chúc, khu văn hóa tâm linh chùa Ba Sao, khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, khu sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên.

Tiếp sau khu Tam Chúc, khu du lịch Hồ Núi Cốc - Thái Nguyên cũng được phê duyệt với số vốn dự kiến kỷ lục là 15.000 tỷ đồng.

Siêu dự án này đã được khởi công xây dựng từ tháng 2/2016 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2035.

Phố cảnh chùa Tam Chúc (Hà Nam) sau khi hoàn thiện. 

Tiếp đến là dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp (Hải Phòng) với tổng diện tích đất hơn 450ha, tổng vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2015-2025. Trong đó, bao gồm khu tâm linh; khu dịch vụ đón tiếp; khu dịch vụ với khách sạn 5 sao; đặc biệt có cả casino, sân golf...

Cuối năm 2015 sau khi kiểm tra thực địa vị trí thực hiện dự án tại đảo Cái Tráp, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã nhất trí cao với ý tưởng và đề nghị của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp vẫn chưa chính thức khởi công.

Mới đây nhất, Xuân Trường tiếp tục đề xuất về dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng ven chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Nếu như dự án được thông qua, “bản đồ” những dự án hàng chục ngàn tỷ do đại gia này đầu tư lên tới con số thứ 5.

“Con đường di sản” và câu chuyện phí

Trong đề án về khu du lịch sinh thái Hương Sơn, Xuân Trường đề xuất muốn xây dựng một con đường du lịch tâm linh kết nối giữa các khu du lịch Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam) và tương lai là Khu du lịch tâm linh Hương Sơn đều của DN này đầu tư.

Tuyến đường hành hương kết nối di sản do DN Xuân Trường đề xuất 

Trong bản báo cáo tóm tắt dự án, tuyến đường du lịch tâm linh (còn gọi là đường hành hương) xuyên qua nhiều tỉnh, thành.

Tuy nhiên, đằng sau con đường tâm linh mà ông Trường nói chính là những trạm thu phí mọc lên dọc tuyến đường dẫn tới các khu du lịch do doanh nghiệp này đầu tư.

Tại Khu du lịch tâm linh Tam Chúc, doanh nghiệp này đang xây dựng hai trạm thu ở đầu giáp Hà Nam và một đầu giáp Hà Nội. Còn tại bản đồ quy hoạch cảnh quan kiến trúc Khu du lịch tâm linh Hương Sơn do doanh nghiệp đề xuất, ở hạng mục thứ 6 và mục số 13 đã thể hiện rõ hai cổng vào đồng thời là hai trạm thu phí án ngữ hai đầu đến chùa Hương từ Hà Nội và Hà Nam.

Năm 2012, hai tỉnh Ninh Bình - Hà Nam đã có đề xuất về việc đầu tư tuyến đường đi thẳng từ Bái Đính đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Mỹ Đình, nhưng đề nghị này đã bị Hà Nội từ chối.

Danh thắng chùa Hương 

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định một số tuyến giao thông liên kết giữa Trung tâm Hà Nội với Khu du lịch, thắng cảnh Hương Sơn hoặc khu vực lân cận như: Tuyến Quốc lộ 21 (vừa qua đã được Bộ GTVT đầu tư cải tạo với mặt cắt khoảng 12m); tuyến Quốc lộ 1 (gồm tuyến 1A cũ và cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ - Ninh Bình); tuyến Hương Sơn - Miếu Môn - Trúc Sơn; tuyến trục giao thông phía Nam, đường Đỗ Xá - Quan Sơn... thông qua các tuyến VĐ3, VĐ4 với khu vực hệ thống giao thông tại khu vực đô thị trung tâm. Việc xác định tuyến mới chưa có trong quy hoạch nối trực tiếp từ chùa Hương đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Một lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trước đó cũng từng nêu quan điểm: ngay ở Mỹ Đình đã có sẵn tuyến đường từ Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân, nối liền đến Cầu Giẽ. Và từ Cầu Giẽ lại có đường cao tốc đi Ninh Bình .Vì vậy, người Hà Nội sẽ chọn đi Bái Đính (Ninh Bình) bằng đường cao tốc cho nhanh chứ không chọn đi “tuyến du lịch tâm linh”.

Mặt khác, thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương và Bái Đính cũng chỉ trong 3 tháng đầu năm. Như vậy, 9 tháng còn lại không nằm trong mùa lễ hội, tuyến đường này sẽ nằm chờ khách. Vì vậy, phải cân nhắc khi khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư nêu trên.