Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện về mảnh đạn pháo theo người cựu binh chống Pol Pot suốt 40 năm

Những trận đánh đã lùi xa 40 năm, nhưng với cựu binh Hà Giảng thì những ký ức lại ùa về khi bên ngực trái nhói đau mỗi khi thay đổi thời tiết hay nhìn lại mảnh đạn đã mang trong mình suốt mấy chục năm qua.

Năm nay 60 tuổi, ông Hà Giảng, bản Liên Đình, xã Chi Khê, Con Cuông (Nghệ An) vẫn còn khá tráng kiện. Lão nông từng tham chiến trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1978 -1979) vẫn tự hào dù đã có tuổi sức khỏe vẫn “hạng A1” như hồi ông vào lính năm 1977.

Chàng trai có sức vật ngã bò mộng ngày nào giờ là một thương binh hạng 4/4.

Vừa 19 tuổi, Hà Giảng từ già làng bản lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại huyện Tân Kỳ, ông hội quân cùng đơn vị ở núi Bà Đen (Tây Ninh) thuộc Đại đội 10, Trung đoàn 977, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3.

 Ông Hà Giảng với kỷ vật chiến trường là mảnh đạn "cư trú" trong cơ thể suốt 15 năm. Ảnh: Hữu Vi

Lúc đó, vào giữa năm 1978, quân đội Khơmer Đỏ đã gây ra họa thảm sát diệt chủng đối với người dân vùng biên giới Tây Ninh, Kiên Giang. Vừa đến nơi giao nhận quân, ông đã phải trực tiếp đào huyệt chôn cất 1 gia đình có 7 nhân mạng bị hành quyết, trong đó có 1 phụ nữ đang mang thai. Thai nhi cũng được chôn cất trong một ngôi mộ riêng. Đó là lần đầu tiên, anh trai núi vừa bước sang tuổi 20 với 1 năm tuổi quân chứng kiến một cảnh ngộ thương tâm như thế. Tiếp sau đó, học sinh tại một trường học gần nơi ông đóng quân bị thảm sát. Hôm đó cũng là ngày Hà Giảng cùng đồng đội bước vào trận đánh đầu tiên của đời lính. Ông nhớ đó là trận đánh vào cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) sau đó là giải phóng tuyến biên giới huyện Tri Tôn tỉnh An Giang.

Trận đánh mà ông nhớ nhất là tại cao điểm 105 trên đất Campuchia. Ở đó đại đội của ông bị bao vây trong vòng 7 ngày. Suốt thời gian giải vây, ông được giao một khẩu B41. Trong ngày chiến đấu ác liệt nhất, một giờ ông bắn đến 21 phát cối B41. Cũng trong trận đánh đó, ông là chiến sỹ duy nhất của trung đội gồm 32 người sống sót. Sau một đêm cầm cự với quân Khơ me Đỏ, ông núp trong một giếng cạn. Sau đó nhờ chiếc xẻng là vật bất ly thân của người lính ngày ấy, ông đã thoát khỏi chiếc giếng và trở về đơn vị.

Hầu hết đồng đội đều hy sinh, Hà Giảng buộc phải bỏ vị trí trở lại đơn vị chiến đấu trong một trung đội khác. Trong trận đánh chiến cao điểm ít ngày sau đó, ông bị dính 18 vết thương từ những mảnh đạn pháo chùm.

Không lâu sau đó, vì thương tích, đầu năm 1980, ông Giảng được phục viên trở về bản. Những vết thương không ngăn được cuộc mưu sinh của một người thợ rừng miền núi. Để nuôi sống vợ cùng 5 người con, ông phải vào rừng xẻ gỗ. Đến năm 1994, ông bị một vết thương ở nách, chảy máu trong thời gian dài. Các y bác sỹ ở trạm xá Chi Khê đã khám và phát hiện một mảnh đạn còn sót lại ở vị trí nách đã sắp rơi ra ngoài. Các y bác sỹ liền giúp ông lấy mảnh đạn đã “cư trú” trong người ông suốt 15 năm.

 Ngoài "người bạn" có kích thước 0.8X1cm này, ông Giảng còn một mảnh nữa trong phổi. Ảnh: Hữu Vi

Đến năm 1997, thấy đau ở ngực trái, ông đến bệnh viện chụp phim và phát hiện thêm một mảnh đạn khác găm trong phổi. “Cảm thấy sức khỏe không bị ảnh hưởng nhiều nên tôi cũng không làm phẫu thuật vì sợ khi mổ rồi còn ốm hơn không mổ. Thôi thì cứ làm bạn với nó” - ông nói vẻ hài hước.

Mảnh đạn bất ngờ xuất hiện hơn 20 năm trước vẫn được ông cất kỹ trong hòm gỗ. Ông bảo đây là kỷ vật để truyền lại cho con cháu để thế hệ sau không bao giờ quên đi một thời chiến đấu hy sinh của những cựu binh chống chế độ diệt chủng Pol Pot.