Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Báo Campuchia viết về cuộc chiến chống Khmer Đỏ của quân tình nguyện Việt Nam

Những người lính quân tình nguyện Việt Nam tới Campuchia khi còn rất trẻ và chiến đấu quên mình chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.

 Quân tình nguyện Việt Nam tại Kampong Cham trước khi rút về nước năm 1989. Ảnh: Southeast Asia Globe.

Tại một nhà hàng ở TP HCM, ông Nguyen Cong Trung vẫn còn dáng dấp rắn rỏi của một người lính. Giống như nhiều người khác, ông Trung chỉ mới là một thiếu niên khi Pol Pot đưa quân gây chiến tranh biên giới Tây Nam của Việt Nam, Paul Millar, cây bút của tạp chí Southeast Asia Globe chuyên về Đông Nam Á có trụ sở tại Campuchia, viết về cuộc gặp với các cựu chiến binh Việt Nam từng tham gia cuộc chiến.

"Khi chiến tranh nổ ra ở biên giới, tôi chỉ là một học sinh cấp ba", ông Trung nói. "Nhưng tôi biết về sự tàn ác của Pol Pot qua các tờ báo - ông ta giết đàn ông, giết phụ nữ, giết trẻ em. Tôi gia nhập lực lượng dân quân tự vệ địa phương lúc 15 tuổi và sau hai năm, tôi chính thức nhập ngũ".

Ngồi bên cạnh ông là Pham Sy Sau, từng đóng quân ở biên giới khi quân Pol Pot tấn công vào Việt Nam năm 1977. Ông kể rằng tháng 12 năm đó, hơn 100 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của tập đoàn phản động Pol Pot vào một ngôi làng biên giới Việt Nam, trong đó có 30 học sinh còn rất trẻ.

"Tôi đã có mặt ở Campuchia từ đầu đến cuối cuộc chiến", ông nói, điếu thuốc kẹp giữa ngón tay. "Trước đó, tôi là một nhà thơ".

Việt Nam khi đó vừa mới kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, đất nước mới thống nhất còn đang hứng chịu hậu quả của chiến tranh và cấm vận kinh tế tàn khốc. Ông Sau nhấp một ngụm bia, có vẻ chua xót khi kể về một thế hệ chưa được hưởng bình yên bao lâu lại phải mang trách nhiệm cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

"Chúng tôi buộc phải cầm súng chống trả", ông nói. "Những người Việt Nam đã phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc chiến trước. Sau năm 1975, chúng tôi hy vọng sẽ có hòa bình. Nhưng chỉ sau hai năm, chúng tôi lại một lần nữa lâm vào chiến tranh".

Khmer Đỏ dưới sự cầm quyền của Pol Pot từ giữa năm 1975 đến năm 1979 đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng chục nghìn dân thường, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, tài sản của người dân.

Nguyen Duc Hoa, cựu binh có gương mặt rắn rỏi và chất giọng sang sảng, kể rằng ông nhập ngũ năm 1976 và suốt hơn ba năm sau đó tham gia nhiều trận đánh để đẩy lùi các cuộc tấn công của Khmer Đỏ qua biên giới.

"Mọi việc rất đơn giản, chúng tôi khi đó còn trẻ", ông nói. "Khi kẻ thù tấn công đất nước, chúng tôi đánh trả. Nhưng giờ đây người Việt muốn có tình bạn thân thiết với Campuchia - bởi vì chúng tôi có bạn bè, người thân và đồng hương đã định cư ở Campuchia".

Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam - Việt Nam của tập đoàn Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnompenh được giải phóng. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.

Nguyen Thanh Nhan, có dáng người nhỏ bé nhưng dẻo dai, từng chiến đấu chống lại tàn quân của Pol Pot ở biên giới Thái Lan. "Tôi không phải nhân chứng, nhưng chúng tôi đã nghe về Tuol Sleng (từng là trại tập trung của Khmer Đỏ, nay là Bảo tàng Diệt chủng ở Phnom Penh). Sự tàn bạo và tội ác diệt chủng của Pol Pot là rất, rất khủng khiếp".

Cố vấn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Sin Khin sinh ra ở tỉnh Svay Rieng, gần biên giới với Việt Nam, là một trong nhiều người Campuchia nhớ rõ sự tàn ác đó. Dưới thời chính quyền Khmer Đỏ, Sin Khin từng phải làm việc khổ sai trong 15 tháng.

Khi quân Khmer Đỏ bị quân tình nguyện Việt Nam đánh bại và phải tháo chạy, Sin Khin buộc quần áo vào một chiếc gậy để làm cờ trắng và mỉm cười, nói chuyện bằng tiếng Việt với những người lính Việt để chứng minh mình không thuộc Khmer Đỏ. "Họ cho tôi một mẩu bánh mì", ông kể lại.

Với những người lính quân tình nguyện Việt Nam, các cuộc tiếp xúc đầu tiên với người Campuchia như vậy là giây phút họ hiểu sự tàn bạo của Khmer Đỏ. Là người có nụ cười thường trực trên môi, gương mặt Nguyen Van Trong trở nên nghiêm nghị khi ông nói về những ngày đầu chiến đấu bên kia biên giới.

"Dưới thời Pol Pot, không có tiền, không có gia đình, không có trường học", ông nói. "Chỉ có một màu duy nhất: đen. Tất cả quần áo đều màu đen. Khi chính quyền của ông ta sụp đổ, người dân Campuchia rất hạnh phúc. Khi nhìn thấy những người lính Việt Nam, họ giống như được hồi sinh".

 Một người lính Campuchia (trái) và hai chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bên ngoài đền Angkor Wat năm 1982. Ảnh: VNA.

Sin Khin sau đó tới Việt Nam, góp sức xây dựng lực lượng giải phóng Campuchia do ông Heng Samrin và ông Hun Sen (hiện là Thủ tướng Campuchia), dẫn đầu, đưa các chàng trai trẻ đến huấn luyện cùng với những người lính Việt Nam đã cho họ chỗ trú ẩn.

Ông Heng Samrin, Hun Sen và Chea Sim, những người muốn lật đổ Khmer Đỏ, đến Việt Nam năm 1977 để tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi họ thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ở huyện Snuol, tỉnh Kratie tháng 12/1978, Khin bắt đầu tin rằng hơn 4 năm đau đớn dưới chế độ diệt chủng cuối cùng sẽ chấm dứt.

"Ban đầu, tôi không cảm thấy có nhiều hy vọng, nhưng khi gặp rất nhiều binh lính trong rừng ở Snuol và người Việt Nam đến để giúp đỡ họ, tôi bắt đầu tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng", ông nói.

"Mọi người bắt đầu tình nguyện tham gia phong trào. Họ rất phẫn uất trước Khmer Đỏ", Khin nói. "Những người lính quân tình nguyện Việt Nam luôn ở tuyến đầu, hỗ trợ các chiến sĩ Campuchia chiến đấu".

Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp đỡ dân tộc Campuchia truy quét Khmer Đỏ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước.

Bác sĩ Hoang Cat, cựu binh chiến đấu chống Khmer Đỏ ở tỉnh Kampong Cham, đã chọn định cư ở Campuchia sau khi chiến tranh kết thúc. Ông hiện làm việc tại một bệnh viện Việt - Cam ở trung tâm Phnom Penh.

 Bác sĩ Hoang Cat, cựu binh chiến tranh biên giới Tây Nam, hiện sống ở Campuchia. Ảnh: Southeast Asia Globe.

"Chiến trường không giống như phim tài liệu", ông nói. "Sau khi Khmer Đỏ rút từ nơi này sang nơi khác, quân tình nguyện Việt Nam truy quét và tiếp tục đẩy lùi chúng".

"Rất nhiều binh sĩ mà tôi điều trị, cả người Campuchia và người Việt, đã bị thương vì đạn và mìn", ông nói. "Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ họ. Bác sĩ phải điều trị cho tất cả mọi người, kể cả Khmer Đỏ, nếu họ bị thương hoặc bị bệnh. Bạn chỉ cần điều trị cho bệnh nhân trước mặt bạn".

Trước khi nói lời tạm biệt Paul Millar, ông Sau rút ra một tập thơ và ký tên lên trên. Ông nói rằng trong đó lưu giữ những ký ức trong gần một thập niên chiến đấu để giải phóng Campuchia khỏi những tàn dư cuối cùng của chế độ Pol Pot.

"Tôi đã ở Campuchia trong dịp Tết của người Khmer" ông kể. "Vào tháng 4/1979, lần đầu tiên sau 4 năm, họ nhảy múa trên đường phố. Đó là hình ảnh tôi luôn nhớ mãi".