Góc nhìn khác lạ về trung tâm của 11 huyện, thị xã vùng miền núi tỉnh Nghệ An
- 14:03 04-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trung tâm huyện Tân Kỳ nổi bật với vòng xuyến lớn hình ngôi sao và cột mốc số 0 Đường mòn Hồ Chí Minh. Tân Kỳ là một huyện miền núi phía Tây của Nghệ An, cách TP. Vinh 90 km, có đường Trường Sơn đi ngang qua. Huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn |
Hồ Thung Mây thơ mộng nằm bên công viên Thanh Niên ở trung tâm huyện Quỳ Hợp. Huyện có nhiều thắng cảnh đẹp như hang Kẻ Ham, hang Thẩm Poòng và nổi tiếng nhất là thác nước Bản Bìa. Quỳ Hợp cũng là địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn |
Thị trấn Quỳ Châu nằm bên Quốc lộ 48A. Địa hình của Quỳ Châu khá phức tạp với hơn 72% diện tích ở độ cao trên 200m so với mặt nước biển và sở hữu mạng lưới sông suối dày đặc. Hệ thống sông suối này đã tạo ra nhiều thác nước đẹp như thác Đũa, thác Tạt Ngoi, khe Nậm Pông. Đây là lợi thế của huyện để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Sách Nguyễn |
Trung tâm huyện Quế Phong nhìn từ trên cao có điểm nhấn là sân vận động khang trang phủ mặt cỏ xanh. Từ thị trấn, du khách có thể kết nối nhiều điểm đến du lịch ấn tượng của Quế Phong như hồ thủy điện Hủa Na, đền Chín Gian, làng Thái cổ, thác Sao Va, thác Bảy Tầng, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt,... Quế Phong là một trong những điểm du lịch nằm trên tuyến Cửa Lò - Vinh - Nghĩa Đàn - Quỳ Châu - Quế Phong. Đây là huyện giáp biên giới Việt - Lào. Ảnh: Sách Nguyễn |
Thị trấn Mường Xén (huyện biên giới Kỳ Sơn) tuyệt đẹp với những mái nhà nhấp nhô tựa vào núi và dòng Nậm Mộ trong xanh chảy dọc Quốc lộ 7A. Huyện Kỳ Sơn chủ yếu là núi, trong đó có nhiều dãy núi cao, hiểm trở trên tuyến biên giới Việt - Lào. Dãy núi Pu xài Leng thuộc xã Nậm Càn có đỉnh cao 2.711 m, là ngọn núi cao nhất của Nghệ An và cả hệ Trường Sơn, cũng là điểm du lịch mới nổi những năm gần đây cho những ai ưa khám phá, leo núi ngắm tuyết rơi mùa đông. Ảnh: Sách Nguyễn |
Trung tâm hành chính huyện Tương Dương - Thị trấn Hòa Bình - nằm giữa những dải xanh của núi non và dòng Lam giang. Tương Dương là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh gần 200 km và cửa khẩu Nặm Cắn 90 km, là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất trong các huyện của Việt Nam. Ảnh: Sách Nguyễn |
Cầu treo trên sông Lam, đoạn qua thị trấn Con Cuông. Huyện Con Cuông có đường biên giới Việt - Lào dài 55,5 km ở phía Tây Nam. Chính nhờ lợi thế vị trí này, Con Cuông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch, thương mại. Con Cuông nổi tiếng với thác Khe Kèm, thác Bổ Bố, Vườn quốc gia Pù Mát,... Ảnh: Sách Nguyễn |
Quốc lộ 7A cắt qua trung tâm hành chính huyện Anh Sơn. Địa bàn huyện Anh Sơn có diện tích trải dọc theo đôi bờ sông Lam, sông Con, sông Giăng và Quốc lộ 7. Địa hình nhiều dãy núi đá vôi, kết nối với nhau, có đỉnh Kim Nhan cao trên 1340m đã tạo nên nhiều hang động đẹp. Huyện cũng có chung đường biên giới Việt - Lào. Ảnh: Quang Dũng |
Trung tâm huyện Thanh Chương được quy hoạch gọn gàng với công viên, hồ nước điều hòa, sân vận động. Trong số các huyện miền núi của Việt Nam thì Thanh Chương là huyện đông dân nhất (hơn 250.000 người). Thanh Chương có đường biên giới Việt - Lào chạy qua, nơi đây có cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy nằm trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) đang được đầy tư xây dựng. Ảnh: Sách Nguyễn |
Trung tâm huyện Nghĩa Đàn được quy hoạch, xây dựng khang trang. Huyện Nghĩa Đàn đang là điểm đến quen thuộc của các du khách trong và ngoài tỉnh nhờ có cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp và nhiều sản vật hấp dẫn. Ảnh: Sách Nguyễn |
Thị xã Thái Hòa phát triển với những nóc nhà khang trang bên hồ Bàu Sen nổi tiếng. Thái Hòa trước đây là thủ phủ của Phủ Quỳ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc Nghệ An. Thái Hòa nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên phong phú, có vùng đất đỏ bazan rộng lớn cho nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp như chè, cao su, cà phê, cam. Ảnh: Sách Nguyễn |