Bi kịch của những nữ tu bị lạm dụng tình dục trong nhà thờ Ấn Độ
- 12:53 04-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một nữ tu tại nhà thờ Trái tim Tinh khiết của Đức Mẹ Mary ở Kottayam, bang miền nam Kerala, Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Trên khắp đất nước Ấn Độ, các nữ tu sĩ kể về việc bị linh mục Công giáo xông vào phòng ngủ và ép buộc quan hệ tình dục. Các nữ tu nói về việc bị sờ mó, cưỡng hôn và đụng chạm bởi những người đàn ông mà họ được dạy là hiện thân của Chúa Jesus, theo AP.
Kinh khủng hơn, các xơ nhắc đến những vụ cưỡng hiếp tái diễn nhiều lần và nhà thờ Công giáo gần như không làm gì để bảo vệ họ, dù Tòa thánh Vatican từ lâu đã biết đến vấn nạn linh mục và giám mục lạm dụng tình dục các nữ tu sĩ xảy ra ở châu Á, châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi.
Phóng viên AP đã tiến hành cuộc điều tra tại Ấn Độ, phỏng vấn hơn 20 người, gồm các nữ tu hoặc những nữ tu đã hoàn tục, linh mục và nhiều người khác, nhằm phơi bày bí mật đã bị che đậy suốt nhiều thập niên.
Từ trước tới nay, các nữ tu hầu như không sẵn lòng nói về việc này, hầu hết chỉ đồng ý chia sẻ với điều kiện ẩn danh. Vấn nạn này chìm trong im lặng cho đến mùa hè năm ngoái, khi một nữ tu lên tiếng.
Sau nhiều lần khiếu nại lên lãnh đạo nhà thờ và chỉ nhận được sự im lặng, nữ tu 44 tuổi ở bang Kerala đã quyết định tố cáo với cảnh sát về việc bà bị giám mục hãm hiếp 13 lần trong hai năm. Một nhóm các xơ biểu tình công khai, yêu cầu cơ quan chức năng bắt giữ giám mục kia.
Cuộc biểu tình của các xơ gây chia rẽ trong cộng đồng Công giáo ở Ấn Độ. Và nữ tu đứng ra tố cáo, cùng những người ủng hộ bà, hiện bị giáng xuống tầng lớp dưới trong xã hội, họ bị chính những người chị em trong nhà thờ ghẻ lạnh, không ít trong số này ra sức bảo vệ giám mục.
"Một vài người cáo buộc chúng tôi chống lại nhà thờ", xơ Josephine Villoonnickal, một người ủng hộ việc vạch trần hành động sai trái của giám mục, cho biết. "Họ nói 'Các cô đang tôn thờ quỷ Satan'. Nhưng chúng tôi phải đứng lên vì sự thật. Chúng tôi muốn chết như những chị em của nhau".
Vấn nạn này đã diễn ra từ hàng chục năm trước, khi một nữ tu kể rằng bà bị xâm hại hồi đầu những năm 1990, khi đang ở tuổi thiếu niên và dạy học tại một trường Công giáo. Công việc vất vả khiến nữ tu trẻ mong ngóng được đến New Delhi để toàn tâm toàn ý tu tập.
Dù là một người mạnh mẽ và từng dành nhiều năm sát cánh cùng người nghèo, nữ tu này bất giác chùng giọng xuống khi nhắc đến thời gian tu tập ở thủ đô Ấn Độ. Một đêm, vị linh mục ngoài 60 tuổi, người có nhiệm vụ dẫn dắt cho các xơ trong suốt khoảng thời gian "đóng cửa tu", trở về sau một bữa tiệc với người dân địa phương. Ông ta gõ cửa phòng của nữ tu trẻ, người đầy mùi rượu.
"Cha không tỉnh táo. Con không sẵn lòng gặp cha lúc này", nữ tu nói. Nhưng vị linh mục vẫn đẩy cửa vào phòng, ông ta cố gắng hôn, sờ mó khắp thân thể nữ tu. Nước mắt giàn giụa, nữ tu dùng hết sức đẩy linh mục ra khỏi phòng và đóng sầm cửa.
Sau sự việc, cô đã bí mật kể với xơ bề trên, người có thể sắp xếp để cô hạn chế giáp mặt với linh mục kia. Nữ tu còn viết một lá thư nặc danh gửi cho các quan chức nhà thờ. Vị linh mục sau đó được điều chuyển đến một nhà thờ khác. Ngoài động thái đó, nhà thờ không đưa ra bất cứ cảnh báo nào. Còn nữ tu bị xâm hại quá sợ hãi và không dám công khai lên tiếng.
Khi tình dục được coi là điều cấm kỵ trong tôn giáo, bên cạnh đó là áp lực từ hệ thống tầng cấp ở nhà thờ và cảm giác cô đơn lạc lõng, các nữ tu dễ dàng trở thành con mồi của những linh mục đồi bại, đặc biệt là các nữ tu theo dòng tu khổ hạnh.
"Khi bắt đầu dậy thì và lần đầu tiên có kinh, chúng tôi không được phép nói chuyện bình thường với nam giới", một nữ tu đến từ giáo hội Công giáo tại bang Kerala, cho biết.
Chính vì sự ngây thơ và thiếu hiểu biết về giới tính khiến cô từng trả giá đắt. Khi còn là thiếu nữ, cô làm việc trong trung tâm Công giáo, nơi có một linh mục đứng tuổi đến từ bang ven biển Goa. Một lần, khi cô mang trả quần áo đã được giặt giũ sạch sẽ, ông ta ôm ghì lấy cô và hôn ngấu nghiến.
"Ông ta hôn tôi tới tấp ở chỗ này", nữ tu nói và chỉ vào ngực. "Ông ta đến từ Goa. Còn tôi sinh ra ở Kerala. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ: 'Đây có phải là cách người vùng Goa hôn nhau không?'" Sau khi hoàn hồn, cô hiểu chuyện gì đang diễn ra nhưng không thể vùng chạy thoát ngay lập tức. Cô chịu đựng cho đến khi có cơ hội lẻn ra ngoài.
Tất cả những gì nữ tu làm là kể sự việc với xơ bề trên để không cử các xơ trẻ khác đến phòng của linh mục kia. Cô không dám khiếu nại hay báo cáo với nhà thờ.
Các xơ tại nhà thờ Trái tim Thuần khiết của Đức Mẹ Mary ở Kottayam, bang miền nam Kerala, Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Sống độc thân và giữ gìn trinh tiết là nền tảng sống của các nữ tu. Nhiều người kể về trường hợp một nữ tu, sau khi thú nhận bị cưỡng hiếp, đã bị cô lập và thậm chí đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.
Một lá đơn tố cáo có thể coi là lời buộc tội với một người có cấp bậc cao hơn trong nhà thờ. Điều này khiến nạn nhân mắc kẹt trong tai tiếng và giằng xé vì đã mạo hiểm làm tổn hại danh dự của nhà thờ.
Tổng giám mục Kuriakose Bharanikulangara nhận định việc lạm dụng diễn ra không thường xuyên và thành hệ thống, mà chỉ là "vài vụ lẻ tẻ" nhưng "nhiều người không muốn lên tiếng".
Trong một bê bối khác, một nữ tu tại một tu viện nhỏ ở ngoại ô bang Kerala kể về những lần bị cưỡng hiếp. Thủ phạm là chính người quyền lực nhất: giám mục Franco Mulakkal.
Giám mục Mulakkal là lãnh đạo chính thức ở cộng đồng, có tiếng nói quyết định trong việc phân bổ tài chính và điều phối nhân sự. Cứ vài tháng, theo nạn nhân, giám mục Mulakkal lại ghé thăm tu viện. Dựa theo bức thư tay nữ tu gửi cho giới chức nhà thờ, giám mục đã cưỡng hiếp cô, không chỉ một lần.
Giám mục Mulakkal tức giận bác bỏ cáo buộc, cho rằng nữ tu muốn tống tiến ông để được thuyên chuyển làm công việc tốt hơn. Giám mục Mulakkal bị giam ba tuần trước khi được bão lãnh tại ngoại hồi tháng 10/2018.
Nhiều tín đồ ở bang Kerala nhìn giám mục Mulakkal như một người tử vì đạo và kéo nhau vào tù thăm nom ông này. Trong khi đó, các nữ tu lại có cách nhìn khác. "Xơ đã nhiều lần nói ông ta dừng lại. Nhưng lần nào ông ấy cũng cưỡng ép xơ làm điều đó", nữ tu Villoonnickal cho biết.
Giới chức Công giáo không nói nhiều về sự việc ngoài tuyên bố tại Hội nghị của các Tổng giám mục Ấn Độ rằng nhà thờ không có quyền xét xử và việc điều tra hay khởi tố phụ thuộc vào cơ quan công quyền. "Chúng tôi im lặng không có nghĩa là chúng tôi nghiêng về bất cứ bên nào".