Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hơn 40 bệnh nhân đột quỵ nhập viện mỗi ngày vì rét

Thời tiết chuyển lạnh sâu khiến số bệnh nhân đột quỵ nhập viện Bạch Mai tăng lên đáng kể, trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu, có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ. Đáng tiếc là nhiều người trong số này đến viện quá muộn.

 Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Internet

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, trong những ngày giá rét, số bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày, có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ.

“Vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10 - 20% so với ngày thường. Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ. Trong đó, có nhiều bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ khi đi tập thể dục lúc sáng sớm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp”- PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết.

Nhiều người mất cơ hội sống vì quan niệm sai lầm

Theo các bác sĩ, "thời gian vàng" để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 6 giờ đầu. Theo số liệu chung toàn quốc, trong năm 2016, tỉ lệ bệnh nhân đến khung giờ vàng được điều trị tái thông bằng thuốc chỉ chiếm 1,5% bệnh nhân. Con số này tăng lên 2,5% trong 2017 và đến năm 2018 trong tổng số gần 7.000 bệnh nhân được điều trị, số bệnh nhân đến viện vào giờ vàng đã tăng lên 3,5%.

Riêng tại BV Bạch Mai, tỉ lệ bệnh nhân đến sớm cao hơn, khoảng 5 – 7% bệnh nhân vào điều trị "trong giờ vàng".

Chia sẻ thêm thông tin, PGS.TS Nguyễn Văn Chi vẫn bày tỏ đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân nhập viện muộn do những suy nghĩ sai lầm.

“Rất nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân có thể đi được, vì nếu vận động bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung thì phải đặt bệnh nhân lên cáng hoặc đưa lên ô tô cấp cứu. Lúc đó, xe ô tô hoạt động, chứ bệnh nhân có hoạt động đâu?!”- PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói.

Dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ

Theo TS. BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu thì cách đơn giản nhất để ai cũng có thể nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu người bệnh Nói – Cười – Giơ tay, chân

- Nói: có biểu hiện nói ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chứ, không nói được.

- Cười: mồm méo, lệch một bên.

- Giơ tay chào, nhấc chân: không giơ được tay lên để chào hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng 1 bên tay bị sệ hơn. Nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó…

Nếu có 3 dấu hiệu này thì chính là đột quỵ và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng. TS. Chính cũng cho biết thêm, thời điểm giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh chính là lúc người bệnh dễ mắc đột quỵ, đặc biệt đối với các bệnh nhân có các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch thì nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn.